Ô tô bay Trung Quốc lập kỷ lục thế giới về quãng đường di chuyển

Thứ hai, 20/03/2023 09:52

Taxi bay của công ty Trung Quốc AutoFlight lập kỷ lục thế giới về quãng đường di chuyển trong cuộc thử nghiệm vừa diễn ra gần đây.

Cách mạng hóa phương thức di chuyển, giảm tắc đường

Ông Tian Yu - nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp AutoFlight có trụ sở tại Thượng Hải cho biết, ô tô bay tự hành 5 chỗ ngồi Prosperity I của hãng đã di chuyển quãng đường 250,3km trong chuyến bay thử nghiệm hôm 23/2, lập kỷ lục thế giới về quãng đường di chuyển của loại hình ô tô điện cất, hạ cánh thẳng đứng (eVTOL).

Mẫu ô tô bay này sử dụng rotor để tự bay lên theo phương thẳng đứng rồi chuyển sang bay sang ngang giống như máy bay truyền thống. Ô tô bay Prosperity I được trang bị 8 cánh quạt cố định để có thể cất hạ cánh thẳng đứng và thêm 2 cánh quạt đẩy ở đằng sau, cho phép thiết bị có thể đạt tầm bay lên tới 250km.

Trao đổi với báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), ông Tian cho biết, thành tựu này đưa giấc mơ về eVTOL của ông tiến gần đến hiện thực hơn. “Tôi tin tưởng rằng về lâu dài, eVTOL sẽ trở thành giải pháp giúp kéo giảm tắc nghẽn giao thông, cách mạng hóa phương thức di chuyển và lối sống”, ông Tian nói.

Ô tô bay trung quốc lập kỷ lục thế giới về quãng đường di chuyển

Ông Tian Yu - nhà sáng lập, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp AutoFlight
chuyên về sản xuất eVTOL đứng cạnh sản phẩm của hãng Ảnh: SCMP

Nhà sáng lập Công ty AutoFlight cũng so sánh ưu điểm của eVTOL với trực thăng khi nhận định: “Trực thăng rất đắt, tiếng ồn lớn. Ngoài ra, chi phí vận hành 1 chiếc trực thăng có thể lên tới 2.000 USD/giờ trong khi mức phí này ở eVTOL chỉ bằng khoảng 1/10 hoặc 1/20”.

Bên cạnh đó, do không cần sử dụng đường băng, eVTOL dễ vận hành, bảo trì và thân thiện với môi trường hơn.

Ông Tian thành lập công ty AutoFlight vào năm 2016 với mục tiêu nghiên cứu và phát triển công nghệ eVTOL, chế tạo máy bay. Tại một triển lãm hàng không ở Trung Quốc vào tháng 9/2021, AutoFlight lần đầu tiên ra mắt mẫu eVTOL 4 chỗ ngồi V1500M. Mẫu Prosperity I đề cập ở trên chính là phiên bản 5 chỗ ngồi mới nhất của loại eVTOL này.

Ông Tian cho hay, công ty đã nhận được hàng trăm đơn đặt hàng mẫu Prosperity I cả ở trong nước và quốc tế, bao gồm thỏa thuận với các công ty hậu cần nội địa. Bên cạnh ứng dụng trong lĩnh vực hậu cần, ông Tian kỳ vọng ô tô bay của công ty sẽ được sử dụng trong hoạt động vận tải tới các đảo, vùng núi, những khu vực đường sá chưa phát triển, đặc biệt trong công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ khẩn cấp.

Đơn cử như trong đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc năm ngoái, AutoFlight đã sử dụng mẫu ô tô bay eVTOL cỡ nhỏ của hãng để vận chuyển bộ xét nghiệm axit nucleic tới Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây.

Ông Tian cho biết, mục tiêu kế tiếp của công ty là đăng ký Chứng chỉ Kiểu loại (chứng chỉ đủ điều kiện bay và độ tin cậy do cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc cấp cho 1 mẫu máy bay cụ thể) nhằm đưa mẫu Prosperity I vào khai thác trong vận tải hàng hóa. Sau đó, AutoFlight sẽ tăng năng suất sản xuất từ hàng chục lên khoảng 1.000 chiếc Prosperity I mỗi năm.

Ngành công nghiệp giao thông hàng không đô thị đầy tiềm năng

Theo SCMP, chuyến bay thử nghiệm thành công của mẫu Prosperity I phản ánh cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các công ty trong lĩnh vực eVTOL tại Trung Quốc khi những doanh nghiệp này thúc đẩy làn sóng đổi mới tại thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

Trước đó, hôm 30/1, hãng sản xuất ô tô Trung Quốc Zhejiang Geely Holding Group thông báo công ty con của tập đoàn là Aerofugia đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm mẫu ô tô bay 5 chỗ ngồi AE200.

Cùng ngày, hãng ô tô điện Xpeng Motors cho biết, mẫu ô tô bay 2 chỗ ngồi X2 của công ty đã được cấp phép thử nghiệm chuyến bay có người lái.

Ô tô bay trung quốc lập kỷ lục thế giới về quãng đường di chuyển
Mẫu ô tô bay Prosperity I của công ty Trung Quốc AutoFlight Ảnh: SCMP

Theo báo cáo năm 2021 của Ngân hàng Morgan Stanley, lĩnh vực “giao thông hàng không đô thị” trên thế giới được dự báo sẽ trở thành ngành công nghiệp trị giá 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2040, trong đó Trung Quốc chiếm 29% tổng thị trường.

Dù là lĩnh vực đầy tiềm năng, theo chính sách của Liên minh châu Âu, các công ty chế tạo eVTOL như AutoFlight cần đáp ứng những quy định nghiêm ngặt và phải được các cơ quan quản lý hàng không cấp chứng nhận về an toàn.

Trung Quốc cũng là quốc gia ban hành quy định kiểm soát hoạt động hàng không nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính quyền trung ương tại quốc gia này đã nới lỏng một số hạn chế nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không dân dụng.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:50402
Lượt truy cập: 175.932.110