Nhân viên lái xe taxi Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa ứng dụng app Lái xe Mai Linh đón, trả khách.
Để quản lý hiệu quả hoạt động vận tải taxi, Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa đã hợp tác với Công ty CP Công nghệ số toàn cầu (Hà Nội) lắp đặt thiết bị định vị GPS cho xe từ 7 chỗ trở xuống. Đến tháng 8/2023, Công ty đã triển khai lắp đặt được hơn 750 xe taxi đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Ông Từ Minh Thanh, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa, cho biết: Việc lắp thiết bị định vị GPS tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo dõi qua mạng Internet về vị trí phương tiện và các thông số hoạt động của xe trong thời gian thực, lưu trữ lại các thông tin trong cơ sở dữ liệu trong việc giám sát và quản lý phương tiện. Thiết bị này sẽ cung cấp những thông tin chính xác nhất về vị trí xe, cung đường, mức tiêu thụ nhiên liệu... nhằm giúp cho công tác quản lý được tự động hóa, trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.
Ngoài ra, Công ty ứng dụng app Lái xe taxi Mai Linh cho tất cả nhân viên lái xe. Đây là ứng dụng dành cho tài xế của hãng taxi Mai Linh, thay thế cho bộ đàm, điều xe tự động, đảm bảo công bằng, loại bỏ hoàn toàn đua điểm và hỗ trợ các lái xe quản lý công việc ngay trên điện thoại. Khi có yêu cầu đón khách, hệ thống sẽ tìm kiếm tài xế phù hợp nhất dựa vào khoảng cách, điểm đánh giá, doanh thu ngày... để gửi yêu cầu đón khách đến tài xế.
Có thể thấy việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý xe ô tô taxi đã giúp Công ty tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị phục vụ công tác quản lý, giám sát hoạt động của các phương tiện để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp lái xe vi phạm, như: vi phạm tốc độ, thời gian lái xe, chạy sai lộ trình, không truyền dữ liệu... qua đó góp phần đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thanh Hóa trên địa bàn tỉnh hiện có gần 3.600 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (gồm doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh) với hơn 14.400 phương tiện. Thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong thời gian qua, Sở GTVT Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện lắp đặt, truyền dẫn dữ liệu từ thiết bị về máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam.
Các đơn vị vận tải tích cực khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý, giám sát hoạt động của các phương tiện kinh doanh vận tải thuộc đơn vị quản lý. Đến tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh có 13.302 phương tiện xe ô tô kinh doanh vận tải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Từ đầu năm đến nay, Sở GTVT đã cấp 2.789 phù hiệu cho các xe ô tô kinh doanh vận tải; cấp 186 giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; 393 giấy phép liên vận Việt - Lào; chấp thuận khai thác 36 tuyến vận tải hành khách cố định. Ngoài ra, ban quản lý các bến xe trên địa bàn tỉnh cũng đã trang bị phần mềm quản lý hoạt động của bến và truyền dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam để theo dõi hoạt động của các bến xe.
Trong năm 2022 và 7 tháng năm 2023, thông qua hệ thống thiết bị giám sát hành trình, Thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa đã xử lý vi phạm hành chính đối với 107 trường hợp vi phạm các lỗi, như: đậu đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định, không có danh sách hợp đồng, không thông báo nội dung hợp đồng trước khi vận chuyển về Sở GTVT...
Ông Vũ Minh Thuận, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Thanh Hóa, cho biết: Ngành giao thông luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải (hàng hóa, hành khách), trong đó khuyến khích các doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và tạo sự thuận lợi cho người dân.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô kinh doanh vận tải tích hợp, truyền dữ liệu vào hệ thống máy chủ của các cơ quan quản lý, làm cơ sở để Sở GTVT tổng hợp, xử lý các lỗi vi phạm, như: vi phạm tốc độ, thời gian lái xe, chạy sai hành trình chạy xe đã được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận, không truyền dữ liệu, vi phạm thời gian lái xe liên tục... yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý theo quy định.
Thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, Sở GTVT đã ban hành 5 quyết định thu hồi 768 phù hiệu, biển hiệu của các phương tiện vi phạm có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 km/h trở xuống). Đây cũng là công cụ hữu hiệu để phục vụ cho các lực lượng có liên quan kiểm tra, truy xuất dữ liệu của phương tiện trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, trong quá trình kiểm soát tải trọng; phục vụ công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông đường bộ; xử lý phương tiện vi phạm về an toàn giao thông; công tác chống buôn lậu của ngành hải quan.