Tại triển lãm, nhà chế tạo ôtô lớn nhất thế giới Toyota
công bố mẫu LF-ZC, xe sedan thuần điện thế hệ tiếp theo mang
thương hiệu Lexus dự kiến ra mắt thị trường vào năm 2026. (Nguồn: Toyota)
Ngày 25/10, Triển lãm Japan Mobility Show 2023 tại Tokyo (Nhật Bản) đã bắt đầu mở cửa cho giới báo chí.
Những chiếc xe điện thế hệ mới, ôtô bay và robot tương lai đã được trưng bày tại sự kiện trong bối cảnh các nhà chế tạo ôtô đang “bắt tay” với các ngành công nghiệp nhằm tạo nên tương lai bền vững của ngành giao thông vận tải.
Triển lãm thu hút 475 công ty tham gia, một con số cao kỷ lục. Đáng chú ý, “đại gia” xe điện Trung Quốc BYD lần đầu tiên góp mặt.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh xu hướng chuyển sang xe điện đang gia tăng trên thế giới và các nhà chế tạo ôtô Nhật Bản đang đẩy mạnh phát triển xe điện, nỗ lực bắt kịp các đối thủ nước ngoài như Tesla.
Tại triển lãm, nhà chế tạo ôtô lớn nhất thế giới Toyota công bố mẫu LF-ZC, xe sedan thuần điện thế hệ tiếp theo mang thương hiệu Lexus dự kiến ra mắt thị trường vào năm 2026.
Theo Toyota, mẫu xe này được chế tạo với kết cấu xe điện thế hệ tiếp theo và được trang bị phần mềm tiên tiến.
Hãng tiên phong trong lĩnh vực xe hybrid (xe lai chạy bằng xăng và điện) từng một thời không chủ trương chế tạo các xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Tuy nhiên, kể từ tháng Tư vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch hãng Koji Sato, Toyota đang “rót” thêm nhiều nguồn lực vào xe điện nhằm tăng số lượng xe thân thiện với môi trường. Hãng cam kết tăng doanh số xe điện từ 24.000 xe năm 2022 lên 1,5 triệu xe vào năm 2026.
Tương tự, Honda Motor đem đến triển lãm mẫu xe điện tự lái Cruise Origin do hãng phát triển cùng công ty General Motor (GM) và công ty con Cruise LLC của GM. Mẫu xe này sẽ được sử dụng để cung cấp dịch vụ taxi không người lái do 3 công ty triển khai tại Tokyo từ năm 2026.
Cũng tại triển lãm, công ty Nissan Motor công bố mẫu xe tải nhỏ Hyper Tourer chạy hoàn toàn bằng điện và được trang bị đầy đủ công nghệ tự lái.
Hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) của xe có thể theo dõi các dấu hiệu sinh trắc của người lái và tự động thay đổi chế độ điều hòa, ánh sáng để phù hợp với tâm trạng của người sử dụng.
Khi ở chế độ tự lái, ghế trước của xe có thể xoay 360 độ để cho phép hành khách ngồi phía trước và phía sau tương tác trực tiếp.
Khác với các đối thủ Nhật Bản chú trọng đến các mẫu xe trưng bày, BYD ra mắt các mẫu xe điện hiện có vốn được tung ra thị trường trong và ngoài Nhật Bản để đem lại cho người dùng những lựa chọn thực tế hơn, bao gồm cả xe thể thao đa dụng hạng sang U8.
Ngoài ôtô, các công nghệ vận tải cũng thu hút sự chú ý của nhiều người tại triển lãm năm nay. Trong số đó, hãng Subaru “trình làng” mẫu ôtô bay Subaru Air Mobility đang phát triển. Chiếc xe này dài 6 mét và rộng 4,5 mét có thể được dùng cho mục đích vận chuyển ở những khu vực xa xôi, hẻo lánh.
Hãng Suzuki hợp tác với công ty liên doanh vận tải hàng không nội địa SkyDrive để sản xuất ôtô bay, cũng mang đến triển lãm mẫu xe dự kiến được sản xuất từ mùa Xuân tới.
Trong khi đó, công ty Sansei Technologies, nhà chế tạo tàu lượn siêu tốc, trưng bày robot 4 chân SR-02 có thể đi lại giống như một con voi chở theo 4 người trên lưng. Robot này dài khoảng 3,6 mét và cao khoảng 2,1 mét, dự kiến sẽ được sử dụng như một phương tiện di chuyển trong công viên giải trí.
Được tổ chức lần đầu tiên cách đây 69 năm, Triển lãm Tokyo Motor Show được biết đến là một triển lãm xe lớn nhất Nhật Bản và cũng là một trong những triển lãm hàng đầu châu Á.
Sau năm 2021 phải hoãn vì dịch COVID-19, sự kiện trở lại với tên gọi mới Japan Mobility Show. Đây là lần đầu tiên triển lãm này được tổ chức sau 4 năm. Sự kiện năm nay mở cửa cho công chúng từ ngày 28/10-5/11./.