Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi tặng hoa chúc mừng
các đơn vị tổ chức thành công Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam.
Đây là nhận định của các chuyên gia an toàn giao thông, lãnh đạo các bộ ngành tại lễ tổng kết 2 năm “Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 - 2023” do Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an phối hợp cùng Báo Điện tử Dân Trí (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức vào chiều 9/11.
Điểm qua tình hình trật tự giao thông cả nước hiện nay, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi chỉ ra nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông; thống kê những thiệt hại về người, của, vật chất, tinh thần và những hệ lụy xã hội. Qua đó, khẳng định trật tự an toàn giao thông là một trong những vấn đề quan trọng liên quan đến cuộc sống và sự phát triển đất nước. “Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam” là một trong những hoạt động thiết thực, khuyến khích, phát huy vai trò sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh.
“Đặc biệt, chương trình đã trở thành cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông với người dân; mở ra cơ hội để mỗi người, cùng các chuyên gia và lực lượng chức năng thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân. Thông qua chương trình, người dân được nâng cao kiến thức hiểu biết về pháp luật và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, có ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại, an toàn”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.
Sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tham gia
các hoạt động tìm hiểu về an toàn giao thông tại lễ tổng kết.
Theo ông Nguyễn Xuân Toàn, Phó Tổng Biên tập Báo Dân Trí, qua 2 năm tổ chức, chương trình đã và đang thu hút sự chú ý của hàng ngàn người trên khắp cả nước. Nhiều đề tài, sáng kiến thể hiện sự đầu tư công phu, nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng nhiều công nghệ khoa học để phân tích, làm rõ vấn đề và đưa giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn nạn trong giao thông.
Nhiều bài dự thi trau chuốt, mạch lạc, rõ ràng, thể hiện sự trân trọng của thí sinh đối với tác phẩm; nhiều ý tưởng gửi về thể hiện sự bức xúc của người dự thi với chính những vấn đề mà họ thường xuyên gặp phải khi tham gia giao thông; gợi mở giải pháp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, cải thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo đảm an toàn giao thông…
Ý tưởng nổi bật về an toàn giao thông là “Giải pháp bỏ đèn đỏ và tổ chức phân luồng giao thông đường bộ tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để không ùn tắc”; “Sản phẩm Ứng dụng nguyên lý đèn giao thông trong quản trị giao thông”... Ở hạng mục giải pháp công nghệ an toàn giao thông là “Hệ thống quản lý giao thông thông minh”, “Website ứng dụng AI phát hiện phương tiện lấn chiếm lòng đường", “Công nghệ Cảnh báo tai nạn giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn Đắk Nông”…
Trong hơn 1.400 sáng kiến năm 2023, Ban tổ chức đã trao giải cao cho tác giả các ý tưởng “Giải pháp Cải tạo hồ điều hòa/công viên thành hồ đa năng, bền vững tại Việt Nam”, “Thiết kế trụ đảm bảo giao thông di động phục vụ công tác phân luồng, điều tiết giao thông tại các điểm giao cắt”, “Móc chìa khóa đã uống rượu bia thì không lái xe”… Đặc biệt, thông qua các sáng kiến, Cục Cảnh sát Giao thông đã đề xuất áp dụng vào thực tế tại Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh “Hệ thống hỗ trợ điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu giao thông”, “Hệ thống phát hiện và cảnh báo giao thông thông minh”, “Ứng dụng nguyên lý đèn giao thông trong quản trị giao thông hiệu quả tại Việt Nam áp dụng vào xây dựng mô hình tỉnh an toàn giao thông”.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT phát biểu tại lễ tổng kết.
Chia sẻ về các sáng kiến an toàn giao thông, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông ghi nhận có hơn 70% sinh viên, học sinh tham gia với đa dạng các sáng kiến, ý tưởng, giải pháp phong phú, sáng tạo tập trung vào lĩnh vực như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo đảm an toàn giao thông… Điều này cho thấy sức lan tỏa chương trình, nơi các ý tưởng, giải pháp công nghệ vì cộng đồng được xúc tiến đầu tư, hiện thực hóa để từ đó cải thiện giao thông và cuộc sống người dân, mang đến những giá trị tốt đẹp cho xã hội.