THÔNG TIN BÁO CHÍ: Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực Hàng hải và Đường thủy nội địa, năm 2024

Thứ sáu, 22/03/2024 11:42

Để tiếp tục đồng hành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa, ngày 22/03/2024, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa năm 2024. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo Bộ GTVT; đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Công thương; đại diện UBND 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các Sở GTVT và gần 180 doanh nghiệp vận tải hàng hải, đường thủy nội địa và logistics trong cả nước.

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày  22/ 3/ 2024

 

THÔNG TIN BÁO CHÍ 
Về Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực Hàng hải và Đường thủy nội địa, năm 2024

Để tiếp tục đồng hành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa, ngày 22/03/2024, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa năm 2024. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo Bộ GTVT; đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương; đại diện UBND 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các Sở GTVT và gần 180 doanh nghiệp vận tải hàng hải, đường thủy nội địa và logistics trong cả nước.

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp là hoạt động thường niên của ngành GTVT, là cơ hội để Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương ghi nhận các ý kiến đề xuất, các sáng kiến của Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng cảng biển, vận tải, dịch vụ logisitcs, phát triển đội tàu vận tải.

Việt Nam là một quốc gia ven biển, với lợi thế có bờ biển dài, gần các tuyến hàng hải quốc tế, hệ thống sông ngòi dày đặc, ngành hàng hải và đường thuỷ nội địa có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đây là phương thức vận tải có chi phí thấp, có khả năng chuyên chở hàng hoá với khối lượng lớn, siêu trường, siêu trọng, đi các tuyến đường xa. Thực tế cho thấy, phần lớn hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải bằng đường biển. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới, thu hút được 40 hãng tàu lớn trên thế giới vào hoạt động.

Việt Nam hiện có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Không những thế, ngành hàng hải cũng có tác động tích cực đến hoạt động du lịch, hàng năm hệ thống cảng biển Việt Nam đón hàng nghìn chuyến tàu khách du lịch quốc tế từ khắp các nước trên thế giới đến Việt Nam. Trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực hàng hải và đường thuỷ nội địa luôn có tốc độ tăng trưởng hàng hoá cao, ổn định, kể cả trong thời gian dịch bệnh Covid-19, chúng ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dương.

Vận tải hàng hóa năm 2023 đạt 2.344 triệu tấn, tăng 15,4%; Luân chuyển hàng hóa đạt 490 tỷ tấn.km, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy 476 triệu tấn (tăng 18,7%) và đường biển 116 triệu tấn (tăng 7,8%). Lũy kế 02 tháng đầu năm 2024 ước đạt 416 triệu tấn tăng 13,9%; Luân chuyển hàng hóa ước đạt 88 tỷ tấn.km tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy, đường biển tăng trưởng ấn tượng nhất với tỷ lệ lần lượt là 21%, 18,1% so với cùng kỳ.

Vận chuyển hành khách năm 2023 đạt 4.679 triệu lượt khách, tăng 12,3%; Luân chuyển đạt 246,8 triệu HK.km tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận chuyển hành khách bằng đường biển 7,3 triệu hành khách (tăng 21%), đường thủy 318 triệu hành khách (tăng 21,1%). Lũy kế 02 tháng đầu năm 2024 ước đạt 45 triệu hành khách.km tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vận chuyển hành khách đường thủy tăng 6,4%, đường biển tăng 10,2%.

Để đạt được kết quả này, là những nỗ lực không ngừng nghỉ của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội đã xây dựng được một hệ thống cảng biển, cảng thuỷ nội địa, vận tải và mạng lưới logistics bền vững.

Nhằm tạo dựng cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật đồng bộ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, hiệu quả, trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã chủ động, tích cực hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản phát luật, các Thông tư Nghị định, quy hoạch tạo hành lang phát lý bền vững. Bộ GTVT luôn đồng hành, lắng nghe các ý kiến góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội. Bên cạnh đó, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương đã tiếp nhận và xử lý, giải quyết nhiều kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa.

Những kiến nghị đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp là nguồn tham khảo quan trọng để Bộ GTVT cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, vận tải biển, đường thủy nội địa, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển, cảng đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Xung đột chính trị, vũ trang xảy ra tại nhiều nước, thương mại toàn cầu yếu hay những căng thẳng ở Biển Đỏ và thời tiết, biến đổi khí hậu diễn biến bất thường dẫn đến những khó khăn, thách thức lớn đối với ngành vận tải, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng hóa. Chính vì vậy, việc cập nhật, bổ sung các cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực hàng hải, đường thuỷ nội địa để hỗ trợ tốt hơn các nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa là rất cần thiết. Trên cơ sở các kiến nghị của hiệp hội và doanh nghiệp thông qua Hội nghị này, Bộ GTVTsẽ tiếp thu đầy đủ và chỉ đạo cho cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện một số nhiệm vụ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động gồm:

1. Tập trung khai thác hiệu quả vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ, góp phần giảm chi phí vận tải và điều tiết hợp lý cơ cấu thị phần của các loại hình vận tải. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí của các cảng biển, đặc biệt là cảng cửa ngõ quốc tế để thu hút các tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi các tuyến vận tải biển xa.

2. Đẩy nhanh thủ tục tàu thuyền ra, vào cảng, tối ưu hóa công tác xếp, dỡ hàng hóa, thực hiện các giải pháp cho tàu lớn vào cảng nhằm giảm thời gian và tăng cường hiệu quả hoạt động tàu thuyền trong bối cảnh giá cước vận chuyển trên các tuyến trên tăng cao.

3. Xem xét nghiên cứu giải pháp tăng cường công tác quản lý giá dịch vụ tại cảng biển, giá các loại thu thu đối với hàng hoá tại cảng biển, nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý tuyến vận tải nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển

Về phía hiệp hội, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị các hiệp hội tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò nhằm kết nối, định hướng phát triển và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao trình độ, năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động vận tải. Để tạo thuận lợi hơn nữa cho ngành hàng hải, đường thủy nội địa phát triển, Bộ GTVT cũng đề nghị các bộ ngành tiếp tục đồng hành với Bộ GTVT thực hiện các giải pháp, cụ thể như: (1) Bộ Kế hoạch đầu tư hỗ trợ trong công tác thực hiện các quy hoạch ngành, các chính sách về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, cảng thủy nội địa, đội tàu vận tải; (2) Bộ Tài chính xem xét bổ sung các quy định về tăng cường quản lý giá dịch vụ, phụ thu đối với hàng hóa tại cảng biển, phí lệ phí; đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hải quan, đặc biệt tại các cảng biển trung chuyển nước sâu, khu vực cảng mở; (3) Bộ Công Thương thực hiện các giải phát nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics và giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa hoạt động hiệu quả; (4) UBND các tỉnh thành nghiên cứu xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ trong công tác bố trí vị trí đổ thải cho hoạt động nạo vét được thuận lợi, đạt tiến độ đề ra, bảo đảm cho tàu thuyền hoạt động an toàn.

Về phía các doanh nghiệp, đề nghị cùng đồng hành với các Bộ ngành, địa phương và Hiệp hội thực hiện các giải pháp nêu trên, tiếp tục đóng góp các sáng kiến mới để thúc đẩy phát triển ngành hàng hải, đường thuỷ nội địa; đồng thời cần tuân thủ các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động, đặc biệt trong lĩnh vực giá, phí và lệ phí.

Với tinh thần đồng hành cùng phát triển, cùng có trách nhiệm với ngành và xã hội. Bộ GTVT mong tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện hiện hiệu quả công tác vận tải hàng hóa bằng đường biển và đường thủy nội địa trong ngành GTVT.

Trên đây là những thông tin về Hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải, đường thủy nội địa năm 2024. Bộ GTVT trân trọng gửi tới các cơ quan thông tấn báo chí và rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành chia sẻ, động viên của của các cơ quan thông tấn báo chí trong thời gian tới./.

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:24403
Lượt truy cập: 169.959.544