Thực hiện Công ước quốc tế về Tiêu chuẩn huấn luyện, Cấp chứng chỉ và Trực ca thuyền viên trên tàu biển năm 1978, sửa đổi năm 1995 (Công ước STCW 78/95) và Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam; tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam. Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý đào tạo, huấn luyện thuyền viên; chỉ đạo các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường thiết bị, nghiệp vụ chuyên môn theo tiêu chuẩn của Công ước STCW 78/95 và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam; các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên tổ chức đào tạo đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường thiết bị nên chất lượng đào tạo, huấn luyện thuyền viên không ngừng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng thuyền viên đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ Chiến lược biển Việt Nam và công tác xuất khẩu thuyền viên. Về cơ bản, các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên của Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của Công ước STCW 78/95.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, huấn luyện thuyền viên vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần được khắc phục: công tác quản lý đào tạo, huấn luyện thuyền viên chưa chặt chẽ; công tác đào tạo, huấn luyện ở một số cơ sở đào tạo chưa được quan tâm đúng mức. Thêm vào đó, ngày 01/01/2012, Công ước STCW 78 sửa đổi 2010 đã chính thức bắt đầu có hiệu lực; đây là một Công ước quốc tế quan trọng về đào tạo, huấn luyện và cấp chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) bắt buộc các quốc gia thành viên của Công ước phải tuân thủ, trong đó có Việt Nam.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện thuyền viên và đáp ứng yêu cầu của Công ước STCW 78 sửa đổi 2010, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên phải tiếp tục thực hiện những nội dung sau:
I. Cục Hàng hải Việt Nam:
1. Tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị hoàn thiện dự thảo (lần 2) 04 Thông tư thay thế các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đào tạo, huấn luyện thuyền viên, trình Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế thẩm định, ban hành.
2. Tổ chức hội thảo, lấy ý kiến góp ý và hoàn thiện bản dịch Công ước STCW 78 sửa đổi 2010 trước ngày 01/04/2012.
3. Căn cứ các tiêu chuẩn về đào tạo, huấn luyện thuyền viên quy định tại Công ước STCW 78 sửa đổi 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan sẽ được ban hành trước ngày 01/4/2012 hoàn thành Đề án triển khai Công ước STCW78 sửa đổi 2010 nhằm đáp ứng yêu cầu của Công ước trình Bộ Giao thông vận tải trước ngày 01/5/2012.
4. Hoàn thiện dự thảo báo cáo IMO của Việt Nam gửi Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 01/8/2012.
5. Nghiên cứu, đổi mới công tác quản lý thuyền viên; bồi dưỡng, thi và cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên đảm bảo không ngừng nâng cao chất lượng, đảm bảo khách quan trong thi, kiểm tra và thuận lợi cho các thuyền viên, doanh nghiệp trong việc cấp, đổi, gia hạn Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn.
6. Phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên tuyền, phổ biến về những sửa đổi của Công ước STCW 78 tới các chủ tàu, thuyền viên sau khi các văn bản quy phạm pháp luật về việc triển khai Công ước STCW 78 sửa đổi 2010 được ban hành.
II. Cục Đăng kiểm Việt Nam:
1. Chuẩn bị để Hội đồng thẩm định của Bộ tổ chức họp thẩm định các chương trình huấn luyện: Chương trình huấn luyện sỹ quan an ninh tàu biển, Chương trình huấn luyện nghiệp vụ nhân viên an ninh tàu biển và Chương trình huấn luyện làm quen an ninh tàu biển; Tiếp thu ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định để hoàn thiện dự thảo và trình Bộ Giao thông vận tải ban hành.
2. Dự thảo báo cáo gửi IMO về nội dung công việc được phân công và gửi Cục Hàng hải Việt Nam để tổng hợp trước ngày 01/7/2012.
III. Cục Y tế GTVT:
Chủ trì việc thẩm định nội dung, trình Bộ Y tế dự thảo Thông tư thay thế Quyết định số 20/2008/QĐ-BYT ngày 9/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế trước ngày 01/02/2012 để Bộ Y tế ban hành Thông tư trước ngày 01/04/2012.
IV. Các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên:
1. Khẩn trương triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (ISO) trong cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên trước ngày 01/07/2012.
2. Chuẩn bị đội ngũ giáo viên, giáo trình, tài liệu giảng dạy, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu của Công ước STCW 78 sửa đổi 2010 (Trường Đại học Hàng hải và Trường Đại học GTVT thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đào tạo, huấn luyện được tất cả các khóa đào tạo, huấn luyện theo yêu cầu của Công ước STCW 78 sửa đổi 2010).
3. Dự thảo báo cáo gửi IMO về nội dung công việc được phân công và gửi Cục Hàng hải Việt Nam để tổng hợp trước ngày 01/7/2012.
4. Triển khai đào tạo, huấn luyện thuyền viên theo đúng các chương trình đào tạo, huấn luyện được Bộ Giao thông vận tải ban hành.
5. Hàng năm, các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên tổ chức đánh giá nội bộ về việc thực hiện Công ước STCW 78 sửa đổi 2010.
6. Đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên trong nước và hợp tác quốc tế trong đào tạo, huấn luyện thuyền viên.
7. Riêng với các trường:
- Đại học Hàng hải, Đại học GTVT thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng Hàng hải I, Cao đẳng nghề Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ các tiêu chuẩn về đào tạo, huấn luyện thuyền viên quy định tại Công ước STCW 78 sửa đổi 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan sẽ được ban hành trước ngày 01/4/2012, hoàn thành Đề án triển khai Công ước STCW 78 sửa đổi 2010 nhằm đáp ứng yêu cầu của Công ước trình Bộ Giao thông vận tải trước ngày 01/5/2012.
- Đại học Hàng hải, Cao đẳng Hàng hải I chuẩn bị để Hội đồng thẩm định của Bộ tổ chức họp thẩm định các chương trình đào tạo, huấn luyện đã được giao; tiếp thu ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định để hoàn thiện dự thảo và trình Bộ Giao thông vận tải ban hành.
V. Chủ tàu:
1. Phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam tuyên tuyền, phổ biến về những sửa đổi của Công ước STCW78 tới các thuyền viên trực thuộc sau khi các văn bản quy phạm pháp luật về việc triển khai Công ước STCW 78 sửa đổi 2010 được ban hành.
2. Rà soát và đánh giá lại đội ngũ thuyền viên của mình. Lập kế hoạch cử thuyền viên tham dự các khóa bồi dưỡng cập nhật theo Công ước STCW 78 sửa đổi 2010 tại các cơ sở đào tạo, huấn luyện hàng hải cho những thuyền viên đã có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn được cấp theo Công ước STCW 78/95.
3. Tổ chức việc huấn luyện làm quen cho thuyền viên theo quy định của Công ước STCW 78 sửa đổi 2010.
4. Có kế hoạch triển khai việc lưu giữ các số liệu liên quan đến Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận mà thuyền viên của công ty được cấp để khi cần có thể kiểm tra hoặc cung cấp được ngay những thông tin liên quan.
VI. Vụ Tổ chức cán bộ:
1. Chủ trì việc thẩm định nội dung, trình các văn bản quy phạm pháp luật; các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện thuyền viên; các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, ban hành.
2. Tham mưu cho lãnh đạo Bộ lập các Hội đồng thẩm định các chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên; các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên.
3. Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc triển khai Công ước STCW 78 sửa đổi 2010.
4. Chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Công ước STCW 78 sửa đổi 2010 tới các chủ tàu, thuyền viên.
5. Chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Đầu tư và Vụ Tài chính thẩm định Đề án triển khai Công ước STCW 78 sửa đổi 2010 do Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên xây dựng.
6. Hàng năm, chủ trì tổ chức kiểm tra công tác đào tạo, huấn luyện thuyền viên ở các Cục chuyên ngành, các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên để báo cáo Bộ Giao thông vận tải kịp thời chấn chỉnh những sai phạm và phát hiện những vướng mắc để kịp thời sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện thuyền viên.
Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện thuyền viên là nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện khâu đột phá về cung cấp nguồn nhân lực hàng hải chất lượng cao; góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn hàng hải, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan trung ương và địa phương liên quan trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải quản lý công tác đào tạo, huấn luyện thuyền viên để chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện thuyền viên ngày càng được nâng cao.