Tỷ lệ nam giới trưởng thành ở Việt Nam hút thuốc lá
thuộc nhóm cao nhất trên thế giới
Ngân hàng thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, chính sách giá và thuế là một trong những chính sách quan trọng nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá và có vai trò chiếm tới 50% trong việc giảm hút thuốc. Phần còn lại là tác động từ các biện pháp khác bao gồm: thực thi môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, truyền thông về tác hại thuốc lá, cấm quảng cáo thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá….
Tổ chức Y tế thế giới ước tính, trung bình khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi.
Đánh giá về thực trạng thuế và giá thuốc lá tại Việt Nam, Thạc sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện ba lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần thấp và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài. Năm 2008 tăng mức thuế từ 55% lên 65%; năm 2016, tăng từ 65% lên 70%; năm 2019, tăng từ 70% lên 75%. Tuy nhiên, các lần tăng thuế này là quá ít và chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế sau đó lại tăng trở lại.
Từ năm 2019 đến nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) chỉ chiếm trong khoảng từ 36,7 đến 38,8%.Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), thấp hơn đa số các nước ASEAN đang áp dụng như: Thái Lan (81,3%), Indonesia (63,5%), Singapore (67,5%)... Mức thuế trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là từ 70% đến 75% trên giá bán lẻ.
Giá thuốc lá bán lẻ ở Việt Nam trong nhóm thấp nhất trên thế giới
Hiện trên thị trường Việt Nam có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10 nghìn đồng/bao (20 điếu), có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá từ 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp, trẻ em và trẻ vị thành niên.
Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ rõ: Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá bảo đảm đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (từ 70% đến 75% trên giá bán lẻ); nghiên cứu và đánh giá hiệu quả của phương án tính thuế các sản phẩm thuốc lá trên giá bán lẻ hoặc phương án sử dụng cơ cấu thuế hỗn hợp.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng đang khuyến nghị Chính phủ tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập.
Các giải pháp thuế này sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành từ mức 41% (năm 2023) xuống dưới 36% vào năm 2030, qua đó sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam. Đồng thời, sẽ làm giảm đáng kể tổng số người hút thuốc, với mức giảm khoảng 696 nghìn người vào năm 2030 so với năm 2020. Làm tăng doanh thu thuế hàng thực, đã điều chỉnh theo lạm phát, hằng năm lên 169%, tương ứng với việc thu thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thuế từ thuốc lá so với năm 2020.