Ngày 17 tháng 12 năm 2010, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 38/2010/TT-BGTVT Quy định về Tiêu chuẩn các chức danh nhân viên đường sắt phục vụ chạy tàu, điều kiện cơ sở đào tạo và nội dung, chương trình đào tạo nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu.
Thông tư này bãi bỏ các quyết định: Quyết định số 67/2005/QĐ-BGTVT ngày 02 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hàn “Quy định về Tiêu chuẩn các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, điều kiện cơ sở đạo và nội dung, chương trình đào tạo nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu”; Quyết định số 32/2006/QĐ- BGTVT ngày 28 tháng 8 năm 2006, Quyết định số 21/2008/QĐ-BGTVT ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về bổ sung, sửa đổi Quy định về Tiêu chuẩn các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, điều kiện cơ sở đào tạo và nội dung, chương trình đào tạo nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu ban hành kèm theo Quyết định số 67/2005/QĐ-BGTVT.
Theo Thông tư này, các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu bao gồm: Nhân viên điều độ chạy tàu (nhân viên điều độ chạy tàu tuyến và nhân viên điều độ chạy tàu ga); trực ban chạy tàu ga; trưởng tàu; trưởng dồn; nhân viên gác ghi; nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe; nhân viên tuần đường, tuần cầu, tuần hầm; nhân viên gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt; lái tàu; phụ lái tàu.
Tiêu chuẩn chung đối với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu là có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh do cơ sở đào tạo cấp và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cụ thể đối với chức danh đảm nhiệm; có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế. Tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh được quy định tại Điều 5 của Thông tư.
Điều 6 của Thông tư quy định nếu nhân viên đảm nhiệm chức danh lái tàu và phụ lái tàu không đảm nhiệm công tác quá 12 tháng liên tục, các chức danh khác không đảm nhiệm công tác quá 06 tháng liên tục vì lý do sức khỏe hoặc các lý do khác; sau đó nếu sức khỏe hồi phục đủ tiêu chuẩn và muốn đảm nhiệm các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu thì phải qua kỳ kiểm tra và đạt yêu cầu nghiệp vụ do doanh nghiệp sử dụng chức danh đó tổ chức.
Trong việc quản lý các nhân viên đường sắt phục vụ chạy tàu, người đứng đầu doanh nghiệp có trách nhiệm định kỳ hàng năm tổ chức kiểm tra sức khỏe; định kỳ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu và hàng năm tổ chức kiểm tra nghiệp vụ định kỳ ít nhất 02 lần (1 lần lý thuyết, 1 lần thực hành) theo quy định.
Điều kiện cơ sở đào tạo, nội dung, chương trình đào tạo nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu được quy định tại Chương III (từ Điều 8 đến Điều 11) của Thông tư.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Mai Anh- Vụ Pháp chế