Ngày 07/11, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký ban hành Thông tư 46/2012/TT-BGTVT Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Theo đó, Thông tư áp dụng đối với các cơ quan quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe; tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ trong phạm vi cả nước. Thông tư không áp dụng đối với công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của ngành Công an, Quân đội làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.
Thông tư gồm 5 phần, 65 điều quy định chi tiết về đào tạo lái xe cơ giới đường bộ gồm: Quản lý đào tạo lái xe, chương trình đào tạo; Quy trình sát hạch, cấp giấy phép lái xe gồm: Hệ thống giấy phép lái xe, sát hạch lái xe, quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đồng thời, Thông tư cũng quy định về đào tạo, sát hạch đối với một số trường hợp đặc thù như người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật để cấp giấy phép lái xe hạng A1; đào tạo lái xe hạng A1 đối với đồng bào dân tộc có trình độ văn hóa thấp.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển toàn bộ giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) đã cấp sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET. trình Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định.
Hàng năm, vào tháng 01 và tháng 7, Sở GTVT sơ kết, tổng kết công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của địa phương, gửi báo cáo về Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp để báo cáo Bộ GTVT. Hàng tháng (trước ngày 05 của tháng sau), các Sở GTVT thực hiện báo cáo tổng hợp cấp, đổi giấy phép lái xe về Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo mẫu quy định.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013./.
Kim Cúc