Tổng cục đường bộ Việt Nam vừa hoàn thành việc chuyển toàn bộ 22 doanh nghiệp quản lý sửa chữa đường bộ 100% vốn nhà nước về các Tổng công ty xây lắp của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Tổng số nhân sự của các doanh nghiệp được chuyển đi là 4.136 người, với tổng số vốn chủ sở hữu (đã loại trừ giá trị còn lại của các nhà Hạt quản lý đường bộ) bàn giao là hơn 271 tỷ đồng.
Đây là một bước sắp xếp lại tổ chức để Tổng cục đường bộ Việt Nam tập trung làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về đường bộ và nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xã hội hóa công tác quản lý bảo trì đường bộ.
Các doanh nghiệp quản lý sửa chữa đường bộ được chuyển về các Tổng công ty xây lắp của Bộ GTVT cùng đóng trên địa bàn. Theo đó, 8 doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn khu vực phía Bắc thuộc Khu quản lý đường bộ II được chuyển về Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông I; 4 doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn khu vực miền Trung chuyển về Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông IV; 4 doanh nghiệp ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ thuộc Khu quản lý đường bộ V chuyển về Tổng công ty xây dựng công trình giao thông V; 6 doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn khu vực phía Nam thuộc Khu quản lý đường bộ VII chuyển về Tổng công ty xây dựng công trình giao thông VI.
Với sự chuyển đổi trên, đến nay Tổng cục đường bộ Việt Nam không còn giữ vai trò là cơ quan chủ quản đối với các doanh nghiệp quản lý sửa chữa đường bộ. Các doanh nghiệp quản lý đường bộ thuộc các Sở GTVT đến nay cũng đã tiến hành cố phần hoá và tách khỏi cơ quản chủ quản. Nhiệm vụ của Tổng cục đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT hiện nay chỉ là cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác quản lý bảo trì hệ thống đường bộ trên phạm vi cả nước và sẽ là chủ đầu tư các dự án quản lý bảo trì đường bộ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ.
Theo TTXVN