Sáng 23/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và cắt băng khánh thành, đưa vào hoạt động Nhà máy thủy điện Sơn La - công trình thủy điện tầm cỡ nhất khu vực Đông Nam Á. Cùng dự với Thủ tướng có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng, chính quyền và đông đảo nhân dân 3 tỉnh Sơn La, Điện Biện và Lai Châu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu cắt băng
khánh thành công trình thủy điện Sơn La
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh, đây là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển ngành Điện Việt Nam, ngành Xây dựng Việt Nam. Sau 7 năm xây dựng lao động sáng tạo, cả 6 tổ máy phát điện đã được vận hành hiệu quả. Công trình Thủy điện Sơn La - Công trình lớn nhất mang tầm khu vực do Việt Nam tự thiết kế, thi công. Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của chủ đầu tư, nhà thầu, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc triển khai dự án đảm bảo chất lượng và vượt mốc tiến độ 3 năm so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Việc khánh thành và đưa vào khai thác thủy điện Sơn La là niềm vui lớn không chỉ của đồng bào 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, ngành Điện mà của chung người dân cả nước.
Thủy điện Sơn La được khởi công từ tháng 12/2005 với công suất thiết kế 2.400MW, tổng mức đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng. Công trình có cao trình đỉnh đập là 228m, dung tích hồ chứa là 9,26 tỷ m3, gồm 6 tổ máy với công suất điện lượng trung bình là 10,246 tỷ kwh. Theo tiến độ, công trình sẽ hoàn tất vào năm 2015. Tuy nhiên, chủ đầu tư Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, toàn bộ 6 tổ máy đều đã hoàn thành. Các hệ thống thiết bị phụ, trạm bơm tiêu cạn đã vận hành được hai năm. Thiết bị xả sâu hoạt động và không có hiện tượng bất thường. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đồng ý cho thủy điện Sơn La tích nước từ tháng 5/2012.
Khánh thành Nhà máy Thủy điện Sơn La không chỉ là sự kiện đánh dấu sự ra đời của công trình điện lực lớn nhất Việt Nam, nguồn bổ sung vô cùng quan trọng vào sản lượng điện quốc gia mà còn là một tượng đài về ý chí của cán bộ, công nhân ngành Điện nói riêng và nhân dân cả nước nói chung trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Việc nhà máy hoàn thành trước thời hạn 3 năm so với kế hoạch đặt ra là một kỳ tích ngoài sức tưởng tượng. Để có được kỳ tích ấy là thành quả của ý chí Việt Nam, vượt qua mọi khó khăn.
Trong quá trình xây dựng thủy điện Sơn La, ngành GTVT có những đóng góp hết sức tích cực, đặc biệt trong việc triển khai các công trình giao thông tránh ngập. Tại công trình thủy điện tầm cỡ nhất Đông Nam Á này, ngành GTVT cũng xây dựng nhiều công trình kỷ lục, mang tầm cỡ quốc gia.

Cầu Pá Uôn - Công trình đạt Cúp vàng chất lượng
Phát biểu tại lễ khánh thành công trình thủy điện Sơn La, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT làm chủ đầu tư 2 dự án gồm cầu Pá Uôn trên QL 279 và cải tạo nâng cấp QL 12 đoạn Km66 - Km102 (bao gồm cả cầu Hang Tôm) với tổng mức đầu tư khoảng 2.577 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Tập đoàn Điện lực (1013 tỷ đồng) và nguồn vốn ngân sách (1564 tỷ đồng). Phần còn lại là đường địa phương do UBND tỉnh Sơn La, Lai Châu và Tập đoàn Điện lực làm chủ đầu tư gồm các tuyến tỉnh lộ 107, 127 và cầu Lai Hà với tổng mức đầu tư khoảng 2.457 tỷ đồng. Cùng với đó, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Đề án tránh ngập Tây Bắc khi có các thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Nậm Chiến và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1453/QĐ-TTg ngày 29/10/2007.

Quốc lộ 12
Đối với hai Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, dự án Cầu Pá Uôn nằm trên QL279 là công trình cấp đặc biệt, đây là cây cầu có chiều cao trụ lên tới 98m - cao nhất Việt Nam từ trước đến nay, do các kỹ sư thiết kế của Việt Nam làm chủ công nghệ từ khảo sát thiết kế và giám sát thi công. Cầu bắc qua sông Đà tại Km 249+520 trên QL279, cách bến phà Pá Uôn khoảng 1.200m về phía thượng lưu, thuộc xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Tổng chiều dài công trình hơn 1273 m, trong đó cầu chính dài 918,05 m khổ cầu rộng 9 m, phần xe chạy 6 m. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 505 tỷ đồng. Thời gian thi công từ tháng 6/2007 và hoàn thành 30/6/2010.
Còn Dự án nâng cấp, cải tạo QL12 (bao gồm cầu Hang Tôm) có chiều dài 35,5 km, điểm đầu tại Km66+00 tại xã Chăn Nưa - Huyện Sìn Hồ - tỉnh Lai Châu và điểm cuối tại Km102 tại Thị xã Mường Lay - tỉnh Điện Biên. Cầu Hang Tôm với chiều cao trụ đạt gần 70m, dài 364m, là cây cầu BTCT đúc hẫng cân bằng có chiều dài nhịp lớn nhất Việt Nam (130m).

Cầu Hang Tôm
"Trong suốt quá trình triển khai, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của các dự án giao thông tránh ngập đối với tiến độ đóng đập, xả nước và hoàn thành, đưa vào khai thác công trình thủy điện tầm cỡ quốc gia này, ngay từ khi triển khai, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư, ban QLDA lựa chọn các nhà thầu mạnh nhất về xây dựng công trình của ngành GTVT để tham gia thi công.
Các nhà thầu được yêu cầu phải tập trung huy động tối đa máy móc, thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ từ những ngày đầu. Chủ đầu tư tập trung chỉ đạo tiến độ theo ngày, theo tuần để đáp ứng tiến độ yêu cầu, không để các công trình chậm tiến độ. Với sự nỗ lực ngày đêm tập trung triển khai thi công của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và nhà thầu các công trình giao thông tránh ngập đã cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác, đáp ứng tiến độ ngăn đập, tích nước của Nhà máy, đang phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần đắc lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giao thương đi lại của người dân, đồng thời giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông cho các tỉnh Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung" Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.
X.N (Tổng hợp)