Ngày 16/8, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký, ban hành Thông tư số 20/2013/TT-BGTVT Quy định về quản lý và bảo trì công trình đường sắt.
Theo Thông tư, công trình, thiết bị đường sắt sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa phải được nghiệm thu, bàn giao, tổ chức quản lý, bảo trì. Thời gian thực hiện công tác quản lý, bảo trì công trình được tính từ ngày chủ đầu tư, đơn vị bảo trì công trình đường sắt ký biên bản nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng.
Quy trình bảo trì công trình đường sắt được lập phù hợp với các bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình, loại, cấp công trình và mục đích sử dụng của công trình. Việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy trình bảo trì công trình đường sắt thực hiện theo quy định tại Chương II của Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Nội dung công tác bảo trì công trình đường sắt có thể bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc: kiểm tra, quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình.
Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về bảo trì công trình đường sắt. Theo đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm bảo trì công trình đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự cố hay xuống cấp của công trình do không thực hiện bảo trì công trình theo quy định. Đối với đường sắt chuyên dùng, đường sắt do các chủ sở hữu khác đầu tư, chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền chịu trách nhiệm bảo trì công trình đường sắt do mình đầu tư; chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự cố hay xuống cấp của công trình do không thực hiện bảo trì công trình theo quy định.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2014.
DT