Ngày 24/10, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký ban hành Thông tư số 37/2013/TT-BGTVT Quy định về nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm.
Theo đó, Thông tư gồm 17 điều quy định về nạo vét luồng đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm; áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động nạo vét luồng đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Về việc lập danh mục các công trình nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm, nhà nước ưu tiên và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia hoạt động nạo vét luồng đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và của nhà đầu tư. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa căn cứ quy hoạch phát triển được duyệt, cấp kỹ thuật, hiện trạng luồng đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa tổ chức lập danh mục các dự án (công trình) thực hiện đầu tư nạo vét theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước trên các tuyến đường thủy nội địa, trình cơ quan quản lý nhà nước về đường thủy nội địa xem xét, phê duyệt trước ngày 30/9 hàng năm.
Danh mục các dự án (công trình) phải có những nội dung chủ yếu: Tên dự án; Mục tiêu của dự án; Địa điểm thực hiện dự án; Tóm tắt các thông số kỹ thuật, chuẩn tắc thiết kế chủ yếu của công trình, khối lượng nạo vét dự kiến, thời gian thực hiện.
Danh mục dự án (công trình) được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về đường thủy nội địa và cơ quan quản lý đường thủy nội địa sau 05 ngày làm việc kể từ ngày danh mục dự án được duyệt (bao gồm cả các danh mục dự án được sửa đổi, bổ sung). Danh mục dự án (công trình) được công bố phải có những nội dung chủ yếu quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư này.
Về đăng ký thực hiện dự án, nhà đầu tư có thể đăng ký thực hiện dự án trong danh mục dự án đã công bố hoặc dự án chưa có trong danh mục đã công bố. Hồ sơ đăng ký bao gồm: Văn bản đăng ký thực hiện dự án theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1 của Thông tư này, nêu khái quát thông tin của dự án: Tên dự án, tên công trình, vị trí, địa điểm, phạm vi, sự cần thiết, hình thức thực hiện, thời gian dự kiến thực hiện và các nội dung khác; Hồ sơ pháp lý của nhà đầu tư (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư và các giấy tờ liên quan chứng minh năng lực của nhà đầu tư như hợp đồng, liên doanh, liên kết); Hồ sơ năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Báo cáo tài chính 03 năm liền kề gần nhất được cơ quan có thẩm quyền xác nhận (cơ quan kiểm toán hoặc cơ quan thuê hoặc cơ quan tài chính) hoặc văn bản cam kết tài chính thực hiện dự án và hồ sơ năng lực thực hiện dự án tương tự của nhà đầu tư (nếu có).
Thông tư cũng nêu rõ quy trình chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án; Hồ sơ đề xuất dự án; Phê duyệt hồ sơ đề xuất dự án; Đàm phán, ký kết và điều chỉnh hợp đồng dự án; Các chi phí liên quan thực hiện dự án; Bảo đảm nghĩa vụ thực hiệu hợp đồng dự án; Tổ chức triển khai, quản lý, giám sát thực hiện dự án; Chấm dứt hợp đồng dự án; Hoàn thành thực hiện dự án và bàn giao dự án và các biện pháp xử lý vi phạm.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2014./.
KC