Bộ GTVT trả lời kiến nghị của công dân về việc kiểm soát tải trọng phương tiện và xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm chở quá tải trọng cho phép

Thứ tư, 21/05/2014 10:45
Ngày 19/5, Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 5700/BGTVT-VT gửi Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Công ty TNHH Thương mại vật tư Tân Trường về việc trả lời kiến nghị của công dân Dương Công Lành, lái xe chở container cho Công ty TNHH Thương mại vật tư Tân Trường, TP. Hải Phòng về việc kiểm soát tải trọng phương tiện và xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm chở quá tải trọng cho phép.

Ngày 19/5, Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 5700/BGTVT-VT gửi Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Công ty TNHH Thương mại vật tư Tân Trường về việc trả lời kiến nghị của công dân Dương Công Lành, lái xe chở container cho Công ty TNHH Thương mại vật tư Tân Trường, TP. Hải Phòng về việc kiểm soát tải trọng phương tiện và xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm chở quá tải trọng cho phép.

Theo đó, ngày 15/5/2014, Bộ GTVT nhận được Văn bản số 226/PC-TTCP đề ngày 13/5/2014 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về việc đề nghị xem xét, trả lời kiến nghị của công dân Dương Công Lành. Ngay sau khi nhận được kiến nghị, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra xác minh các thông số kỹ thuật phương tiện lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu tại Cục Đăng kiểm Việt Nam đối với ô tô đầu kéo và sơ mi rơ moóc do ông Lành điều khiển. Kết quả kiểm tra xác minh cho thấy, khối lượng toàn bộ của đoàn xe theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (Trọng lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông) là 30.801 kg.

Theo phản ánh của ông Lành, tổng trọng lượng cân được của đoàn xe (bao gồm ô tô đầu kéo, sơ mi rơ moóc, hàng và người) là 32.120 kg, vượt 1.319 kg so với trọng lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông. Căn cứ quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, ông Lành (với vai trò là người điều khiển ô tô tải) đã có hành vi vi phạm chở hàng vượt quá khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở của sơ mi rơ moóc là 6,6% và bị xử lý vi phạm hành chính theo điểm a khoản 2 Điều 24 của Nghị định này (phạt tiền từ 800.000-1.000.000 đồng), đồng thời bị xử phạt bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 24 (tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1 tháng).

Đối với những thắc mắc cụ thể của ông Lành liên quan đến các quy định về kiểm soát tải trọng xe, Bộ GTVT trả lời như sau:

1. Cần chở 1 công (Công - ten - nơ) hàng cần tới tổ hợp đầu kéo và sơ mi rơ moóc có đúng hay không?

Theo quy định của Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ thì kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô chở container là kinh doanh có điều kiện. Trong đó có quy định cụ thể về đối tượng được phép tham gia kinh doanh (chỉ cho phép các doanh nghiệp, hợp tác xã, không có cá nhân) và các điều kiện bắt buộc phải thực hiện (đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật; đảm bảo số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện; phương tiện phải gắn thiết bị giám sát hành trình...).

Do vậy, việc chở 1 container hàng cần tới tổ hợp đầu kéo và sơ mi rơ moóc hoàn toàn thuộc về quyền chủ động lựa chọn của doanh nghiệp khi xây dựng phương án kinh doanh của đơn vị mình và đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật trong vận tải hàng hóa bằng container, như đảm bảo điều kiện chung quy định đối với doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container đã nêu trên; có cơ cấu đoàn phương tiện hợp lý; có đủ các điều kiện về an toàn kỹ thuật của đoàn phương tiện; người lái đủ điều kiện theo quy định; đặc biệt khi thực hiện vận chuyển phải chấp hành đúng trọng lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của đoàn phương tiện theo quy định.

2. Các đầu kéo nói chung, hoặc đích danh đầu kéo mang biển kiểm soát 15C-01877 có đăng ký, đăng kiểm, có biên lai thu phí sử dụng đường bộ có được phép lưu thông để chở hàng hoá hay không?

Xe ô tô đầu kéo đã được đăng ký và còn niên hạn; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi truờng (Giấy đăng kiểm) còn hiệu lực; đã thực hiện nộp phí bảo trì đường bộ theo quy định và không bị cơ quan chức năng tạm giữ do liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật thì có quyền tham gia giao thông theo sự điều khiển của người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe phù hợp và không bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật.

3. Các văn bản quy định về tải trọng trục xe thuộc quy định về tải trọng khổ giới hạn của xe của Bộ GTVT, trong đó có trường hợp khoảng cách trục lớn hơn 1,3 m thì tải trọng cụm trục kép là 18 tấn, có còn được áp dụng không?

Thắc mắc về tải trọng trục xe như ông Lành nêu được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 số Thông tư 07/2010/TT-BGTVT ngày 11/2/2010 của Bộ GTVT về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; công bố tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Hiện nay, quy định này tiếp tục có hiệu lực và được quy định cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 16 Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BGTVT ngày 7/2/2014 của Bộ GTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; công bố tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ. Văn bản này vẫn đang có hiệu lực pháp lý.

4. Theo các văn bản của Bộ GTVT, xe có tổng số trục bằng 5 thì tổng trọng lượng của xe được 44 tấn, quy định này có còn hiệu lực không? Nếu có thì việc xử phạt của đoàn kiểm tra tải trọng xe tỉnh Hải Dương đối với xe đầu kéo với sơ mi rơ móc có đúng quy định không?

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BGTVT, tổ hợp xe đầu kéo với sơ mi rơ moóc có 5 trục được phép lưu hành với tổng tải trọng không vượt quá 44 tấn theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 16 Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BGTVT nêu trên, vẫn đang có hiệu lực pháp lý.

Tuy nhiên, đây là giá trị trọng lượng tối đa được phép tham gia giao thông trong trường hợp tổ hợp đầu kéo với sơ mi rơ moóc có điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện đủ hoặc vượt khả năng chở 44 tấn (bao gồm cả hàng hoá trọng lượng bản thân của phương tiện) được xác nhận trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp dựa trên hồ sơ thiết kế của nhà sản xuất phương tiện.

Các trường hợp khác thì phương tiện được phép tham gia giao thông theo đúng giá trị khối lượng toàn bộ của đoàn xe theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Vì vậy, theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của ô tô đầu kéo (có biển số đăng ký 15C-01877) và sơ mi rơ moóc (có biển số đăng ký 15R-00604) cho thấy tổ hợp xe đầu kéo với sơ mi rơ moóc do ông Lành điều khiển chỉ có đủ điều kiện kỹ thuật để tham gia giao thông với tổng khối lượng (bao gồm cả hàng hoá trọng lượng bản thân của phương tiện) không vượt quá 30.801 kg.

So sánh với các quy định hiện hành của pháp luật như nêu trên, phương tiện do ông Lành điều khiển có tổng trọng lượng cân được vượt quá tổng khối lượng toàn bộ được phép tham gia giao thông, khối lượng hàng hoá trên xe (bao gồm hàng hoá và vỏ container) vượt quá khối lượng hàng hoá được phép chở của sơ mi rơ moóc.

Cho nên, Trạm trưởng Trạm kiểm tra tải trọng xe tỉnh Hải Dương quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường là đúng quy định pháp luật.

Hai con số trong giấy chứng nhận kiểm định của xe là “tải trọng cho phép tham gia giao thông: 16.900 kg” và “trọng lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông: 24.141 kg” có ý nghĩa như thế nào? Trong biên bản xử phạt có ghi doanh nghiệp phải "chấm dứt ngay vi phạm", vậy yêu cầu này cần được hiểu như thế nào?

Theo thông số kỹ thuật đã ghi trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của ô tô đầu kéo có biển số đăng ký 15C-01877 thì ông Lành cần lưu ý để sử dụng phương tiện hợp lý như sau:

Tải trọng cho phép tham gia giao thông (16.900 kg) là giá trị tải trọng cao nhất mà cụm trục kép của đầu kéo có thể được phép chất tải khi tham gia giao thông.

Trọng lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông (24.141 kg) là giá trị tổng trọng lượng bản thân của đầu kéo (7.111kg) cộng với trọng lượng của số người tối đa được phép chở (2x65 = 130 kg) cộng với tải trọng cho phép tham gia giao thông (16.900 kg).

Theo thông số kỹ thuật của phương tiện thì sơ mi rơ moóc do ông Lành sử dụng để ghép với đầu kéo chở container hàng trong trường hợp này chỉ được chở tối đa là 20.000 kg (20 tấn).

Vì vậy, ông Lành chỉ nên sử dụng sơ mi rơ moóc để chở theo container và hàng hóa có tổng khối lượng nhỏ hơn 20 tấn.

Trường hợp container của ông có 19,119 tấn hàng hóa, cộng với khối lượng vỏ container (khoảng 4,480 tấn) thì giá trị tổng khối lượng có thể lên tới 23,599 tấn. Vì vậy, trong trường hợp này, Trạm kiểm tra đề nghị doanh nghiệp nơi ông Lành làm việc chấm dứt việc để xảy ra hiện tượng cho phép phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng vi phạm quy định về tải trọng.

Như vậy, để có thể đạt mức trọng lượng hàng hóa chở được là cao nhất theo quy định (đạt mức tối ưu nhất) trong khi tổng khối lượng tham gia giao thông của đoàn phương tiện vẫn đúng các quy định của pháp luật, ông Dương Văn Lành và Công ty cần lựa chọn cơ cấu đoàn phương tiện để đảm bảo sự phù hợp giữa ô tô đầu kéo với sơ mi rơ moóc./.

KC

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:11174
Lượt truy cập: 176.807.665