Thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp đào tạo giữa các trường và doanh nghiệp

Thứ ba, 13/05/2014 17:14
Sáng 13/5, tại Hải Phòng, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị về công tác đào tạo theo địa chỉ cho doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã tới dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi, đại diện Bộ Giáo đục – Đào tạo, lãnh đạo các Vụ, Tổng cục, Cục, các Trường, Tổng công ty thuộc Bộ GTVT.

Sáng 13/5, tại Hải Phòng, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị về công tác đào tạo theo địa chỉ cho doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã tới dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi, đại diện Bộ Giáo đục – Đào tạo, lãnh đạo các Vụ, Tổng cục, Cục, các Trường, Tổng công ty thuộc Bộ GTVT.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Lê  Đình Thọ đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao công tác đào tạo tại các doanh nghiệp. Trong đó tập trung vào việc đánh giá kết quả đào tạo theo nhu cầu xã hội và đào tạo theo địa chỉ giai đoạn 2011 -2013, các giải pháp để triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8.

Báo cáo về công tác đào tạo theo địa chỉ cho các doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội của Bộ GTVT do đồng chí Trần Văn Lâm – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh tuy nhiên cần được tiếp tục bồi dưỡng để nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc nhằm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh của Ngành trong giai đoạn mới. Cụ thể số lượng lao động trình độ thấp, chưa qua đào tạo là 203.768 người, chiếm 32%; lao động qua đào tạo là 433.171 người, chiếm 68%, trong đó: đào tạo nghề (công nhân kỹ thuật các trình độ) là 311.247 người, chiếm 48,9%, đào tạo chuyên nghiệp (gồm trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học) là 121.924 người, chiếm 19,1%. Tỷ lệ công nhân giỏi và đầu đàn còn thấp: bậc 5 và 6 chỉ chiếm 27%; bậc 7 chiếm 5,2%. Tỷ lệ chung cả nước, công nhân bậc cao (bậc 4 trở lên) chỉ chiếm 56.45%.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Văn Lâm báo cáo kết quả công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội của Bộ GTVT

Về hệ thống trường thuộc Bộ GTVT, báo cáo cho biết, hệ thống cơ sở đào tạo ngành GTVT được phát triển rất sớm từ một trường Cao đẳng Giao thông công chính (thành lập năm 1945), trở thành một hệ thống đào tạo khá lớn với tổng số 25 trường, trong đó: 04 trường đại học, học viện; 04 trường cao đẳng; 03 trường trung cấp; 07 trường cao đẳng nghề; 06 trường trung cấp nghề và 01 trường Cán bộ quản lý GTVT. Đến nay, năng lực đào tạo của hệ thống các trường thuộc Bộ GTVT hàng năm khoảng 52.000 người, về cơ bản có thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công nhân kỹ thuật trong ngành GTVT và xã hội.

Đối với công tác đào tạo theo địa chỉ cho các doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2011-2013,  xác định nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ thường xuyên và đặc biệt quan trọng đổi với nhà trường, trong những năm qua, các trường thuộc Bộ luôn quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo trước đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, của người sử dụng lao động cũng như của bản thân người học, năng động tìm kiếm, huy động các nguồn lực đầu tư nước ngoài, nguồn tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, huy động nguồn lực xã hội hoá để thực hiện đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất. Đội ngũ giáo viên cùa các trường luôn được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên.

Đến nay, đội ngũ giáo viên các trường thuộc Bộ đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm và khả năng thực hành tốt. Công tác xây dựng, đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, phương thức đào tạo, cập nhật công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và hội nhập quốc tế; công tác phối hợp, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo được các trường đẩy mạnh. Hiện nay, một số Tổng công ty, công ty thuộc Bộ đã thành lập các Trường, Trung tâm đào tạo để thực hiện đào tạo và đào tạo lại đáp ứng nhu cầu của tổng công ty, công ty, điển hình như: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có Trường Cao đẳng nghề Đường sắt thực hiện đào tạo nhân lực chủ yếu cho Tổng công ty và các doanh nghiệp đường sắt. Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã thành lập các Trung tâm đào tạo, huấn luyện để thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng, đào tạo lại đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Hiệu trưởng Trường Quản lý cán bộ GTVT Vũ Đình Thắc phát biểu tham luận tại Hội nghị

Về phương hướng, kế hoạch trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu đào tạo theo phương châm: đào tạo những gì xã hội cần chứ không phải đào tạo những gì minh có; đào tạo để có việc làm và làm được việc; đào tạo theo nhu cầu xã hội gắn với xã hội hóa công tác đào tạo.

Để công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội và đào tạo theo địa chỉ cho các doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo đạt mục tiêu nêu trên Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác đổi mới giáo dục và đào tạo trong ngành Giao thông vận tải; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan; thực hiện các nhiệm vụ góp phần hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội thảo, đại diện các trường, doanh nghiệp trong Ngành đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm đào tạo theo nhu cầu cũng như kinh nghiệm phối hợp của các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo trong đào tạo nâng cao nguồn doanh nghiệp của mình.

Đại diện các trường và các doanh nghiệp trong ngành cũng đã cùng tham gia ký kết Quy chế phối hợp đào tạo giữa các trường và các doanh nghiệp.

Đại diện các trường và các doanh nghiệp ký kết Quy chế phối hợp đào tạo giữa các trường và các doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi đã đánh giá cao bản báo cáo về công tác đào tạo theo địa chỉ của Bộ GTVT và các ý kiến mà các đại biểu đã trao đổi tại Hội nghị. Thứ trưởng nguyễn Ngọc Phi đề nghị Bộ GTVT cần làm tốt công tác phân luồng đào tạo, hoàn thiện cơ chế chính sách dạy nghề và các chính sách kèm theo. Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ cần chủ động tiếp cận với các doanh nghiệp theo cơ chế đặt hàng, từng bước chuẩn hóa lại cả về cơ sở vật chất lẫn nội dung đào tạo, chất lượng giáo viên đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao những ý kiến tham luận, đóng góp trong Hội nghị. Thứ trưởng đề nghị các trường và các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả bản Quy chế phối hợp vừa được ký kết, đồng thời xác định rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Tiếp tục nghiên cứu việc xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo.

DT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:119254
Lượt truy cập: 176.949.663