Chiều 4/1, tại Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo ATGT đường sắt ứng phó sự cố thiên tai, cứu nạn đường sắt năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị.
Theo báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam, năm 2012 đã xảy ra 457 vụ TNGT đường sắt, làm 214 người chết, 312 người bị thương, so với cùng kỳ của năm 2011 giảm 13,8% về số vụ, 19,5% về số người chết và giảm hơn 10% số người bị thương. Trong đó tai nạn đặc biệt nghiêm trọng giảm 50%, tai nạn nghiêm trọng giảm 18,8%, tai nạn do chủ quan giảm tới 21,1%. Tuy nhiên, thiệt hại do TNGT đường sắt gây ra vẫn còn rất lớn, làm bế tắc chính tuyến 325 giờ, chậm 1.713 giờ tà chạy; làm hư hỏng 1087 mét đường sắt, 39 đầu máy, 38 toa xe... gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Để đạt được kết quả như vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngành đường sắt đã thực hiện tốt Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT, và Quyết định 1856 của Thủ tướng Chính phủ về lập lại trật tự hành lang ATGT đường sắt, xây dựng hàng rào, đường ngang, xóa bỏ đường ngang dân sinh.
Do vậy, tính đến hết tháng 11 năm 2012 các cơ quan chức năng đã xóa bỏ được 193 đường dân sinh, tổ chức cảnh giới 72/158 vị trí đường ngang quang trọng, cắm bổ sung đầy đủ các biển báo theo quy định; đồng thời tổ chức sửa chữa bề mặt đường ngang đảm bảo êm thuận, phát quang cây cối bảo đảm tầm nhìn cho 442 đường ngang.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng cho biết: Mặc dù TNGT đường sắt năm 2012 đã giảm cả 3 tiêu chí nhưng đó chỉ là kết quả bước đầu và không ổn định. Bởi vì kết cấu hạ tầng của ngành đường sắt vẫn không có nhiều thay đổi. Bước vào năm 2013, việc đầu tiên ngành Đường sắt phải làm là lập kế hoạch xử lý đường ngang dân sinh trên tuyến. Đồng thời, ở mỗi địa phương chọn ra một số điểm giao cắt để cải tạo kết cấu hạ tầng như: nâng, giảm cao độ, làm gờ giảm tốc... để tạo sự êm thuận và an toàn cho người tham gia lưu thông.
Thứ trưởng cũng đề nghị trong năm 2013, ngành đường sắt Việt Nam phối hợp chặt chẽ với PC 67, PC 64 thường xuyên tuần tra, kiểm soát ở trên các tuyến tàu, đoàn tàu, nhà ga. Đặc biệt vai trò của các địa phương là không thể tách rời ra được. Để có được kết quả như năm 2012 vừa qua, một trong những nguyên nhân là các địa phương, các ban ATGT địa phương đã thực sự vào cuộc.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2012, địa phương có đường sắt đi qua để xảy ra TNGT đường sắt thấp nhất là tỉnh Nghệ An, giảm 50% số vụ TNGT đường sắt, giảm 100% số người bị chết.
Theo VOV Giao thông