Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Thứ sáu, 24/05/2013 13:35
Ngày 25/2, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 355/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngày 25/2, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 355/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu phát triển đến năm 2020, hệ thống GTVT nước ta cơ bản đáp ứng được nhu cầu về vận tải của xã hội, đảm bảo chất lượng ngày càng được nâng cao, giá thành hợp lý; kiềm chế tiến tới giảm dần TNGT và hạn chế ô nhiễm môi trường. Hình thành được một hệ thống GTVT hợp lý giữa các phương thức vận tải, phát triển một cách đồng bộ, từng bước tiến tới hiện đại nhằm góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Về vận tải, tỷ lệ đảm nhận giữa các phương thức vận tải đến năm 2020, tổng khối lượng vận chuyển hành khách là 6.240 triệu hành khách, trong đó đường bộ đảm nhận 86,0÷90,0%; đường sắt 1,0÷2,0%; đường thủy nội địa 4,5÷7,5% và hàng không 1,0÷1,7%. Tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa là 2.090 triệu tấn, trong đó đường bộ đảm nhận 65,0÷70,0%; đường sắt 1,0÷3,0%; đường thủy nội địa 17,0÷20,0%; đường biển 9,0÷14,0% và hàng không 0,1÷0,2%.

Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đối với trục dọc Bắc - Nam sẽ ưu tiên đầu tư, hoàn thành nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1 với quy mô 4 làn xe, tập trung, ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có; đối với khu vực phía Bắc trọng tâm là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên trọng tâm là vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đối với khu vực phía Nam trọng tâm là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, phát triển GTVT đô thị, phát triển giao thông nông thôn, phát triển công nghiệp GTVT.

Tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược xác định cơ bản hoàn thiện mạng lưới GTVT trong cả nước, đảm bảo sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải. Chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, đảm bảo: nhanh chóng, an toàn, tiện lợi. Cơ bản hoàn thành xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc; triển khai xây dựng một số đoạn trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; hệ thống đường bộ, đường sắt Việt Nam đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mê Công mở rộng và đường sắt xuyên Á.

Một trong những nhóm giải pháp chính được đưa ra là nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, phát huy tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tạo bước chuyển biến rõ rệt trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư giữa các lĩnh vực giao thông; tập trung vốn cho các công trình có tính lan tỏa, tạo sự kết nối giữa các phương thức vận tải, giữa các công trình trong cùng hệ thống, tại các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ quốc tế.

Ngoài ra, Chiến lược cũng lưu ý đến các nhóm giải pháp, chính sách tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; giải pháp, chính sách phát triển vận tải; giải pháp, chính sách phát triển công nghiệp giao thông vận tải; giải pháp, chính sách về đảm bảo an toàn giao thông; giải pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong giao thông vận tải; giải pháp, chính sách về hội nhập và cạnh tranh quốc tế; giải pháp, chính sách đổi mới tổ chức quản lý, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải; giải pháp, chính sách áp dụng khoa học - công nghệ mới; giải pháp, chính sách phát triển nguồn nhân lực…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 35/2009/QĐ-TTg ngày 3/3/2009 phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

X.N

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:131554
Lượt truy cập: 175.450.777