Cần Thơ: Gia tăng tai nạn giao thông ở trẻ nhỏ

Thứ hai, 08/07/2013 00:00
Theo Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, 5 tháng đầu năm 2013, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị ngoại trú cho 286 trẻ em, trong khi cùng kỳ chỉ có 154 trẻ bị tai nạn giao thông. Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, số trẻ em nhập viện vì tai nạn giao thông (TNGT) cũng khá nhiều.
Theo Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, 5 tháng đầu năm 2013, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị ngoại trú cho 286 trẻ em, trong khi cùng kỳ chỉ có 154 trẻ bị tai nạn giao thông. Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, số trẻ em nhập viện vì tai nạn giao thông (TNGT) cũng khá nhiều.

Theo thống kê của khoa, tính từ đầu năm 2013 đến ngày 24/6/2013, khoa tiếp nhận 142 trẻ bị TNGT. Theo nhân viên của khoa Cấp cứu, trẻ bị TNGT tăng lên ở trong những ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Những ngày này, cha mẹ chở con đi chơi nhiều hơn nên số lượng trẻ bị TNGT ở bệnh viện tiếp nhận thường đông hơn ngày thường.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Phạm Đình Hưởng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ: "Phần lớn trẻ bị TNGT nhẹ, va quẹt, chỉ xây xát, chấn thương phần mềm. Một số trẻ bị TNGT nặng như gãy xương tay, chân, chấn thương nội tạng, chấn thương cột sống, chấn thương sọ não… nếu trẻ bị TNGT do các cơ sở y tế tuyến dưới chuyển đến thì được sơ cứu ban đầu, còn phần lớn trẻ do người nhà, người dân tự đưa đến bệnh viện thì ít khi được sơ cứu ban đầu. Nếu có được người nhà hoặc người dân tự sơ cứu thì cũng một số ít được sơ cứu đúng cách. Ví dụ trẻ bị TNGT chảy máu nhiều thì một số trẻ được người nhà băng bằng khăn, áo nhưng có trẻ người nhà cầm máu bằng đắp lá cây, sợi thuốc lá - cách cầm máu này làm vết thương có nguy cơ bị nhiễm trùng, khó cho quá trình điều trị của bác sĩ. Nhiều người nhà khi thấy con bị TNGT nên nóng ruột, ẵm cháu chạy đi cấp cứu, điều này rất nguy hiểm vì chẳng may cháu bị gãy xương lớn thì việc xốc lên chạy, có thể làm cho thương tích của trẻ trầm trọng thêm và có thể gây sốc do đau, mất máu. Nghiêm trọng hơn, nếu trẻ bị chấn thương cột sống cổ thì việc ẵm trẻ chạy cũng làm cho chấn thương nặng hơn có thể gây liệt toàn thân".

Nguyên nhân TNGT ở trẻ nhỏ phần lớn do ý thức và nhận thức về an toàn giao thông của các bậc phụ huynh còn rất hạn chế hoặc không lường hết tình huống nguy hiểm có thể xảy ra với con em mình. Ví dụ chở con không đai an toàn, không cho trẻ đội mũ bảo hiểm, nhiều phụ huynh chạy xe tay ga cho trẻ đứng trước xe nên khi va quẹt trẻ dễ té xuống đường… nhiều phụ huynh cho con tự chạy xe đạp, xe gắn máy đi học. Trong khi các em nhỏ tuổi, ý thức giao thông chưa cao, các em chủ quan, chạy hàng 2, hàng 3, đùa giỡn trên đường… nguy cơ bị TNGT rất cao. Chị Hương, đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều kể: "Có lần tôi chở con đi học về. Đèn đỏ, tôi dừng xe, nghe điện thoại, không tắt máy xe. Con tôi đứng trước xe, sơ ý, quẹt tay trúng tay ga, ga nhích lên, xe ủi trúng xe đậu trước, hai xe đều ngã. Hai mẹ con tôi và chủ xe trước té ra đường, tôi và chủ xe đậu trước bị chấn thương phần mềm, còn con tôi phải nằm viện mấy ngày để theo dõi xem đầu có bị chấn thương sọ não không. Cũng may là cháu chỉ bị chấn thương phần mềm".

Từ những thực tế cấp cứu, điều trị cho trẻ bị TNGT hàng ngày tại khoa Cấp cứu, bác sĩ Phạm Đình Hưởng khuyến cáo các bậc phụ huynh tuân thủ Luật Giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường để làm gương cho trẻ và đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho trẻ. Khi không may xảy ra TNGT với trẻ em cần nhanh chóng gọi mọi người gần đó nhờ giúp đỡ. Do chưa đánh giá được thương tích nên khi di chuyển nạn nhân cần để nạn nhân nằm yên trên mặt phẳng, cố định cột sống cổ và đầu, không di chuyển mạnh, cầm máu bằng băng, gạc vô trùng (nếu có) hoặc khăn, vải sạch. Nếu nạn nhân bị nghi có gãy xương chân tay cần nẹp cố định, bất động chỗ gãy bằng cây gỗ, nhựa thẳng, sau đó nhanh chóng tìm cách đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị.

Nguồn: Báo Cần Thơ
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:
Lượt truy cập: