Hải Dương: Kiên quyết xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ

Thứ hai, 19/08/2013 00:00
Từ giữa tháng 3 năm nay, các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Hải Dương, Sở Giao thông vận tải tiến hành giải tỏa, chống vi phạm phát sinh mới và tái lấn chiếm ATGTĐB trên các tuyến đường tỉnh, huyện.
Từ giữa tháng 3 năm nay, các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Hải Dương, Sở Giao thông vận tải tiến hành giải tỏa, chống vi phạm phát sinh mới và tái lấn chiếm ATGTĐB trên các tuyến đường tỉnh, huyện.

Các nơi giải tảo chủ yếu là lều quán, mái che, mái vẩy, hoa màu trên nền đường, cây xanh che khuất tầm nhìn, các biển không phải là biển báo hiệu đường bộ, vật liệu, các công trình xây dựng trái phép gây mất ATGT. Phạm vi giải tỏa hành lang ATGT đường ngoài đô thị 5 m tính từ mép nhựa ra mỗi bên đối với đường tỉnh, quốc lộ và 3 m đối với đường huyện; đường đô thị tính từ mép nhựa tới chỉ giới xây dựng.

Năm nay, do công tác giải tỏa hành lang ATGTĐB có sự phối hợp đồng bộ giữa huyện, các xã, thị trấn và các đơn vị chức năng của Sở Giao thông vận tải nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trên một số tuyến đường như tỉnh lộ 391, 395, 388, 389, 396, quốc lộ 37... hàng nghìn nhà tạm, lều quán, mái che, mái vẩy, biển quảng cáo vi phạm đã được người dân tự tháo dỡ và các đơn vị chức năng tổ chức cưỡng chế giải tỏa. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đa số hộ dân đều chấp hành, đến nay không có hộ chống đối.

Theo Đoạn Đường bộ (Sở Giao thông vận tải), tỉnh ta hiện có 8.122 điểm vi phạm hành lang ATGTĐB. Trong đó, có 24.506 m2 nhà tạm, 9.684 m2 lều quán, 52.177 mái che, mái vẩy, 1.070 biển quảng cáo, 29.860 m2 cổng, tường bao, 1.083 cây cối che khuất tầm nhìn và các vi phạm khác. Từ nay đến ngày 20-9, các huyện, thị xã tiếp tục phối hợp với Sở Giao thông vận tải hoàn thành công tác giải tỏa vi phạm.

Diện tích đất ở nhà ông Vũ Tuấn Ngơi, thôn Chạnh, xã Trùng Khánh (Gia Lộc) phần lớn nằm trong hành lang ATGT tỉnh lộ 395. Mặc dù biết việc xây dựng nhà ở trong hành lang ATGTĐB là vi phạm và đã có đơn kiến nghị lên UBND xã, huyện, nhưng vì không nhận được hồi âm về hướng giải quyết, trong khi nhu cầu chỗ ở cấp thiết nên ông Ngơi đã tự ý xây dựng ngôi nhà 2 tầng kiên cố. Ông Ngơi cho biết: “Tôi không nắm rõ phần diện tích đất nằm trong hành lang ATGT là bao nhiêu nhưng căn nhà của gia đình từng sinh sống đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường bị ẩm, nứt, trần nhà tróc từng mảng. Lượng phương tiện đi lại ngày càng tăng, trong khi nhà lại sát mép đường nên xuống cấp càng nhanh hơn. Ngoài ra, sàn nhà thấp hơn mặt đường, mỗi khi mưa, nước tràn vào nhiều, gây ngập úng. Gia đình tôi có 3 thế hệ cùng sinh sống nên rất chật chội, bất tiện. Tháng 6-2012, tôi gửi 5 đơn kiến nghị lên xã, huyện để xin phép xây nhà nhưng không có hồi âm. Vì thế, gia đình đã tiến hành xây nhà vào đầu năm 2013. Hiện căn nhà đã cơ bản hoàn thành”.
Thực tế, tình cảnh của gia đình ông Ngơi cũng phản ánh thực trạng chung tại nhiều tuyến đường hiện nay. Ở thị trấn Gia Lộc, có tới gần 276 trong tổng số 346 hộ dân (chiếm 80%) có đất ở nằm trong hành lang ATGTĐB ra tới mép quốc lộ 37. Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gia Lộc, có khoảng 70% số hộ vi phạm trên đất hành lang ATGT tự giác tổ chức tháo dỡ. Tuy nhiên, đối với những trường hợp có đất ở nằm trong hành lang ATGTĐB thì chỉ có thể vận động họ không xây dựng, cơi nới, làm biển quảng cáo che khuất tầm nhìn chứ không thể cưỡng chế giải tỏa. Chính vì vậy, công tác giải tỏa chưa đem lại kết quả rõ rệt, bộ mặt đường phố chưa được cải thiện. Mặc dù Sở Giao thông vận tải có hướng dẫn, đề nghị huyện xác định tài sản, chuyển đất tái định cư nhưng việc thực hiện rất khó do chưa bố trí được quỹ đất và không có kinh phí bồi thường. Ông Nguyễn Hoàng Tùng, chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gia Lộc cho biết: “Huyện có 2 tuyến quốc lộ và 3 tuyến tỉnh lộ đi qua nên tình trạng vi phạm hành lang ATGTĐB rất nhiều. Trong khi đó có nhiều khu dân cư lâu đời, hình thành từ trước khi nâng cấp đường nên không thể giải tỏa được. Theo quy định mới, đối với hộ đất ở, chỉ cho xây nhà tạm, 1 tầng, không có mái bê-tông cốt thép. Tuy nhiên, nếu xây dựng cũng không bảo đảm tiêu chuẩn nhà ở, hạn chế khả năng sử dụng đất của các hộ dân”.

Cùng với khó khăn trong giải tỏa vi phạm hành lang ATGTĐB đối với những công trình trên đất ở, hiện nay, việc ngăn ngừa tái vi phạm cũng đang là thách thức đối với các địa phương. Tính tự giác chấp hành của người dân còn hạn chế. Chính vì vậy, một trong những khó khăn là việc ngăn chặn tình trạng tái vi phạm. Để duy trì được công tác bảo đảm hành lang ATGT thì cần có nguồn kinh phí bổ sung để việc tổ chức liên ngành của tỉnh, huyện, xã được thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có kinh phí vận chuyển những đối tượng giải tỏa nên việc bảo đảm ATGT còn hạn chế.

Nguồn: Báo Hải Dương
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:72327
Lượt truy cập: 176.517.298