Nâng cao đạo đức lái xe

Thứ hai, 13/05/2013 00:00
Hai vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trong ngày hôm qua (11-5) khiến 13 người tử vong (có thể số người chết còn tăng do một số người bị thương quá nặng) và nhiều vụ tai nạn thương tâm khác đều có nguyên nhân chủ yếu do lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, ngủ gật.
Hai vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trong ngày hôm qua (11-5) khiến 13 người tử vong (có thể số người chết còn tăng do một số người bị thương quá nặng) và nhiều vụ tai nạn thương tâm khác đều có nguyên nhân chủ yếu do lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, ngủ gật.

Khi tai nạn xảy ra gây chết người, lâu nay một số người thường cho rằng do cơ sở hạ tầng giao thông kém, không đáp ứng nhu cầu lưu thông, chất lượng xe không đảm bảo... Tuy nhiên, thực tế những vụ tai nạn xảy ra phần lớn do hai xe đâm trực diện nhau. Như vậy chúng ta không thể đổ lỗi cho cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng xe mà tác nhân chính là con người. Chuyến xe có an toàn hay không phụ thuộc chủ yếu vào tay nghề, trách nhiệm, đạo đức người lái xe.

Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ: “Người điều khiển ô tô bắt buộc phải có thêm giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật và môi trường; không được làm việc 10 tiếng mỗi ngày”; tài xế ô tô không được lái liên tục quá 4 tiếng. Thế nhưng hiện nay, tài xế xe khách đều chạy vượt thời gian trên, nhất là giới tài xế xe tải đường dài. Phần lớn các tài xế xe khách chạy tuyến đường dài đều cho rằng, ban ngày họ không dám chạy, khi nào cảnh sát giao thông về ngủ thì tranh thủ nhấn hết ga để bù lại. Thời điểm này là từ 12 giờ đêm đến 4 - 5 giờ sáng. Do điều khiển xe chạy với tốc độ lên đến 120 - 140 km/giờ nên nhiều lúc phải lấn tuyến, khi gặp xe lưu thông ngược chiều không thể nào tránh kịp.

Những năm gần đây các trung tâm đào tạo ồ ạt ra đời, nhiều nơi việc học hành thi cử rất hời hợt, cấp bằng lái dễ dãi. Không ít trường dạy lái xe chỉ cốt làm cho học viên biết lái, chạy được xe trên đường là có bằng, trong khi đó chuyện đào tạo đạo đức nghề nghiệp cho người tài xế liên quan đến sinh mạng của nhiều người lại không được quan tâm.

Theo Luật Giao thông đường bộ, người đủ 24 tuổi trở lên mới được lái ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc (FC); người đủ 27 tuổi trở lên mới được lái ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ-moóc (FD). Thế nhưng, hiện nay có không ít người chưa đến 24 tuổi đã lái xe khách chạy bạt mạng trên đường.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải nghiêm túc chấn chỉnh lại đội ngũ lái xe hiện nay, nâng cao đạo đức lái xe cũng như kiểm tra chặt chẽ các điều kiện được phép lái xe chở khách, nhằm hạn chế tối đa các vụ tai nạn do tài xế thiếu ý thức gây ra.

Nguồn: Báo SGGP
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:137305
Lượt truy cập: 176.717.317