Cảnh báo nguy cơ đâm va tàu thuyền trong mùa mưa lũ

Thứ ba, 10/07/2012 00:00
Sản lượng hàng hoá vận tải của ngành giao thông vận tải đường thủy nội địa luôn chiếm từ 40% đến 45% tổng sản lượng vận tải nội địa. Tuy nhiên, do tính đặc thù của loại hình giao thông đường thủy luôn phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu, nhất là vào mùa mưa, lũ.
Sản lượng hàng hoá vận tải của ngành giao thông vận tải đường thủy nội địa luôn chiếm từ 40% đến 45% tổng sản lượng vận tải nội địa. Tuy nhiên, do tính đặc thù của loại hình giao thông đường thủy luôn phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu, nhất là vào mùa mưa, lũ.

Vì vậy, trong mùa mưa, lũ, các loại phương tiện cũng luôn phải đối mặt với những nguy cơ đâm, va nếu như người điều khiển phương tiện không tuân thủ nghiêm chỉnh các qui định khi điều động phương tiện qua các vị trí giao thông trọng điểm, các vị trí cầu vượt sông…

Vận tải bằng đường thủy có một lợi thế đặc biệt hơn hẳn các loại hình giao thông khác, đó là có thể cho phép vận chuyển các loại hàng siêu trường, siêu trọng, hàng có khối lượng lớn... với giá thành rẻ và rất thuận lợi. Tuy nhiên, do địa hình nước ta đa phần là đồi, núi chạy thấp dần từ Bắc xuống Nam; từ Tây sang Đông và ra phía biển, nên về mùa mưa, nuớc lũ từ vùng núi cao dồn về với cường độ và lưu tốc rất lớn. Hơn nữa, các tuyến giao thông đường thuỷ của ta hầu hết vẫn dựa vào điều kiện sẵn có của tự nhiên như luồng lạch, dòng chảy, chế độ thủy văn, nên bị ảnh hưởng rất lớn của mưa, lũ hàng năm.

Mưa, lũ không chỉ gây cản trở hoạt động giao thông mà còn là một trong những nguyên nhân chính và trực tiếp dẫn đến va chạm giữa phương tiện với các công trình trên sông, mà cụ thể ở đây là các trụ cầu vượt sông; giữa phương tiện với nhau, hoặc giữa phương tiện với các chướng ngại vật như đá, ngầm, bờ kè, gềnh đá… Bên cạnh đó, hiện trạng các cây cầu ở nước ta (trừ các công trình cầu mới được xây dựng), còn lại hầu hết các công trình cầu vượt sông (kể cả đường sắt và đường bộ) đều có chiều rộng và chiều cao tĩnh không của khoang thông thuyền hẹp và thấp, nhất là ở vùng Nam bộ. Ngay cả các công trình mới xây dựng, không ít các cầu chưa thoả mãn điều kiện tĩnh không khoang thông thuyền, hoặc mặt trụ cầu xiên với dòng chảy, nên mùa lũ về, nguy cơ xảy ra va chạm vào trụ cầu, hoặc mắc kẹt vào dầm cầu là rất lớn.

Mặt khác, ngày nay số lượng phương tiện thuỷ có tải trọng lớn đã xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh các loại phương tiện tự hành có trọng tải từ 300 tấn đến trên 1.000 tấn, thậm chí tới 1.500 tấn đang được đưa vào khai thác, trên các tuyến đường thủy còn có các đoàn sà lan có trọng tải lớn đến gần 2.000 tấn với số lượng ngày càng tăng, nhất là ở các tuyến vận tải chính như tuyến sông Hồng, Đuống, Kinh Thầy.... và ở vùng ven biển, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đối với những đoàn lai dắt và phương tiện tự hành càng có có trọng tải lớn lưu thông trong mùa lũ, thì nguy cơ đâm va càng lớn. Thực trạng đó đã và đang rung lên hồi chuông báo động đối với các cơ quan quản lý và đối với chính bản thân các chủ và nguời điều khiển phương tiện cần phải quan tâm, chủ động trong mọi tình huống để phòng ngừa các tai nạn đâm va có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trước vấn nạn và nguy cơ đâm va vào công trình trên sông, hàng năm trước khi vào mùa lũ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã tích cực chỉ đạo các đơn vị và thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác Điều tiết khống chế, thường trực cứu hộ, cứu nạn và chống va trôi tại các vị trí cầu vượt song xung yếu như: Cầu Long Biên, cầu Đuống, cầu Hồ, cầu Bình (phía Bắc); Cầu Nghèn, Bến Thủy; Cầu Gianh (Miền Trung); Cầu Măng thít; cầu Chợ Gạo; cầu Tân An … (ở phía Nam) để kịp thời bổ sung phương tiện, thiết bị nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và cứu hộ kịp thời cũng như hạn chế thấp nhất các thiệt hại xảy ra.

Ông Trần Văn Cừu – Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết: “Qua phân tích nguyên nhân của những vụ tai nạn đâm va vào trụ cầu trong thời gian qua cho thấy, ngoài nguyên nhân do thời tiết mưa, lũ, dòng chảy mạnh, công suất máy của phương tiện nhỏ không thắng được sức đẩy của dòng nước, nên dẫn đến việc phương tiện bị đâm, va vào trụ cầu hoặc công trình trên sông, còn lại phần lớn là do ý thức chấp hành Luật giao thông đường thủy của người điều khiển phương tiện còn thấp và rất chủ quan. Nhiều lái tàu đã bất chấp qui định khi đều động phương tiện qua các công trình cầu vượt sông; không tuân thủ theo hiệu lệnh của đơn vị thực hiện công tác điều tiết - khống chế giao thông đường thủy tại những khu vực giao thông trọng điểm hoặc tại các vị trí cầu xung yếu. Từ thực trạng trên, nên công tác chống va – trôi là một công việc đặc biệt cần thiết và cấp bách của cơ quan quản lý đảm bảo an toàn giao thông ĐTNĐ, nhất là khi bước vào mùa mưa lũ hàng năm. Bên cạnh công tác điều tiết, cứu hộ, chống va – trôi, những người điều khiển phương tiện cần phải tuyệt đối chấp hành sự hướng dẫn, điều tiết cầu của cơ quan quản lý, không tuỳ tuỳ tiện điều động phương tiện qua cầu mà không được sự hướng dẫn của đơn vị điều tiết, có như vậy mới phòng tránh và hạn chế được tai nạn đâm va vào trụ cầu”.

Theo báo Nhân dân
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:148410
Lượt truy cập: 177.555.632