Một số ý kiến về “Báo cáo chiến lược bảo đảm TTATGT đường bộ QG đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” của Việt Nam và đề xuất dự kiến kế hoạch hành động của Bộ công an

Thứ hai, 18/04/2011 00:00
Tham luận của Bộ Công an tại Hội nghị quốc tế báo cáo Chiến lược bảo đảm trật tự ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
Tham luận của Bộ Công an tại Hội nghị quốc tế báo cáo Chiến lược bảo đảm trật tự ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
I.          Đánh giá, đề xuất bổ sung, điều chỉnh đối với Báo cáo:
1.         Nhất trí và thống nhất cao đối với toàn bộ “Báo cáo chiến lược bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” của Việt Nam. Đây là cố gắng rất lớn của Ban chỉ đạo và Ban soạn thảo chiến lược, có sự tham gia toàn diện của các Bộ, ngành có liên quan và các chuyên gia an toàn giao thông quốc tế. Báo cáo chiến lược đã bảo đảm được yêu cầu khách quan, toàn diện, khoa học và thực tiễn được trình bày tại các phần cụ thể về hiện trạng an toàn giao thông đường bộ, chiến lược an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và các giải pháp thực hiện chiến lược, trong đó các vấn đề về quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, chiến lược phát triển và các giải pháp thực hiện chiến lược là nội dung cơ bản của báo cáo.
Báo cáo chỉ cần bổ sung điều chỉnh một số vấn đề cụ thể nữa là Bộ giao thông vận tải có thể sớm trình thủ tướng chính phủ dự thảo quyết định phê duyệt chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
2.         Đề nghị Ban chỉ đạo, Ban soạn thảo chiến lược bổ sung, điều chỉnh một số điểm đối với báo cáo như sau:
2.1.       Về mục tiêu phát triển:
-           Về giảm số người chết do tai nạn giao thông, Báo cáo đặt ra chỉ tiêu tổng quát đến năm 2020 chỉ còn 8 người/ 100.000 dân và đến năm 2030 chỉ còn 6 – 4 người/ 100.000 dân là phù hợp với mục tiêu của Chính phủ Việt Nam đề ra trong Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông đến năm 2010 (mỗi năm giảm 5% số người chết). Tuy nhiên trong thực tế 5 năm qua, tỷ lệ này không bao giờ đạt được và ở Việt Nam có nghịch lý là đường càng tốt, tai nạn càng nhiều…, vì vậy đề nghị điều chỉnh lại mục tiêu này; Nhật Bản phấn đấu 30 năm nay nhưng số người chết do tai nạn giao thông cũng chỉ dừng ở mức trên, dưới 7000 người mỗi năm (từ năm 2007 đến nay).
-           Về mục tiêu cụ thể đã đề cập toàn diện đối với các lĩnh vực liên quan đến an toàn giao thông; đề nghị bổ sung thêm đến năm 2020 phải quản lý được 100% người lái xe được cấp giấy phép lái xe. Muốn làm được việc này đòi hỏi phải có hệ thống cơ sở dữ liệu và được kết nối chặt chẽ giữa cơ quan cấp giấy phép lái xe, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và cơ quan quản lý bảo hiểm. Đối với lĩnh vực quản lý bảo hiểm cũng chưa được đề cập, đề nghị bổ sung vì vai trò của cơ quan bảo hiểm rất quan trọng, các nước phát triển có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này, cần được thực hiện ngay ở Việt Nam sẽ góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế, giảm tổn thất đối với tai nạn giao thông.
2.2.       Về chiến lược phát triển:
-           Về kết cấu hạ tầng giao thông có nhiều điểm còn đề ra chung chung, sử dụng nhiều từ tăng cường, đẩy mạnh… đề nghị cần đưa ra những yêu cầu cụ thể. Đối với an toàn đường cao tốc, yêu cầu ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) trong việc khai thác là hoàn toàn đúng và phù hợp với hiện tại và tương lai. Đối với các đường quốc lộ, được nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới cũng phải có hệ thống giám sát phục vụ việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông và phải bảo đảm nguồn kinh phí duy trì phát triển hệ thống giám sát.
-           Về phương tiện giao thông: cần bổ sung áp dụng biện pháp gia hạn đăng ký xe để quản lý xe chặt chẽ phục vụ mục tiêu quản lý được 100% xe đã đăng ký như nhiều nước đã làm và trong điều kiện cụ thể, cần thiết áp dụng biện pháp hạn chế đăng ký phương tiện cá nhân, hạn chế phương tiện hoạt động để góp phần chống ùn tắc giao thông.
-           Về người điều khiển phương tiện giao thông: đến năm 2020 phải quản lý được 100% lái xe được cấp giấy phép lái xe.
II.          Dự kiến dự thảo Kế hoạch hành động của Bộ công an thực hiện chiến lược:
1.         Giai đoạn tới 2015 Bộ công an đã và đang thực hiện 7 dự án và Đề án phục vụ chiến lược phát triển đối với cảnh sát giao thông đường bộ, trong đó có 5 dự án và Đề án trong nước và 2 dự án vay vốn ODA.
1.1.       5 dự án, Đề án trong nước bao gồm:
-           Dự án “Tổ chức hệ thống kiểm soát giao thông đường bộ, xây dựng trạm cảnh sát giao thông trên các quốc lộ trọng điểm, trạm cảnh sát giao thông cửa ô các thành phố trực thuộc trung ương”. Theo đó đang xây dựng khu nhà trung tâm thông tin chỉ huy tại 112 Lê Duẩn, Hà Nội, dự kiến khoảng 1 năm nữa sẽ hoàn thành. Xây dựng 97 trạm cảnh sát giao thông trên các quốc lộ trọng điểm, đã và đang xây dựng 29 trạm cảnh sát giao thông, trong đó 10 trạm cảnh sát giao thông đã và chuẩn bị đưa vào sử dụng.
-           Đề án “Tăng cường và hiện đại hóa công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông”, trong đó có 3 dự án thành phần gồm:
+ Dự án số 1 “Xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông” đã cơ bản hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi do Tư vấn lập, chuẩn bị báo cáo Bộ công an phê duyệt.
+ Dự án 2 “Hiện đại hóa các trung tâm thông tin chỉ huy cảnh sát giao thông đường bộ”, Tư vấn đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi, sẽ hoàn thành trong vài tháng tới.
+ Dự án số 3 “Tổ chức công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông thí điểm theo phương thức hiện đại trên tuyến quốc lộ 5 (Hà Nội – Hải Phòng). Đang trong quá trình khảo sát chuẩn bị cho lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
-           Dự án “Xây dựng trường trung cấp cảnh sát giao thông”. Bộ công an đã phê duyệt dự án; đã có quyết định thành lập trường và tổ chức hoạt động, đang xây dựng cơ sở vật chất của trường.
-           Dự án “Xây dựng trung tâm huấn luyện nghiệp vụ, đạo tạo, sát hạch lái xe của Bộ công an”, đang trong quá trình nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch xây dựng.
-           Dự án “Trang bị xe ô tô, mô tô đặc chủng phục vụ công tác dẫn đoàn của lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ”. Bộ công an đã phê duyệt dự án, đang tiến hành các bước tiếp theo.
1.2.       2 dự án vay vốn ODA bao gồm:
-           Các hợp phần của dự án An toàn giao thông Việt Nam (VRSP), vốn vay Ngân hàng thế giới (WB), do Ủy ban an toàn giao thông quốc gia làm chủ đầu tư, Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt tham gia, phối hợp; trong đó hợp phần B7 “Tổ chức cưỡng chế thi hành luật giao thông trên tuyến quốc lộ thí điểm”, chủ yếu là mua sắm thiết bị camera giám sát, lắp đặt trên 2 đoạn quốc lộ 1 (Hà Nội – Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ). Đã hoàn thành việc chấm hồ sơ mời thầu, đang tiến hành các bước tiếp theo. Hợp phần C.1.1 “Thiết kế hệ thống cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông đường bộ Việt Nam”, Tư vấn đã hoàn thiện thiết kế chi tiết và chỉ dẫn kỹ thuật cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông”.
-           Dự án vốn vay JICA “Tăng cường an toàn giao thông đường bộ trên các quốc lộ phía Bắc Việt Nam”, Tư vấn đã hoàn thành Kế hoạch hành động hợp phần Cưỡng chế và điều chỉnh danh mục phương tiện, thiết bị trang bị cho cảnh sát giao thông để làm cơ sở cho việc thực hiện các bước tiếp theo, trước mắt là phê duyệt Kế hoạch đấu thầu.
Nhìn chung các dự án, đề án thực hiện tương đối thuận lợi do có sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ ngành liên quan và các đối tác. Tuy nhiên, nhìn chung còn chậm, chưa đúng tiến độ đề ra bởi nhiều nguyên nhân, cần tiếp tục được rút kinh nghiệm, khắc phục.
•           Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các dự án, Đề án trong thời gian qua và các năm tiếp theo, Bộ công an tập trung chỉ đạo tăng cường thể chế trong hoạt động của cảnh sát giao thông theo hướng ban hành các văn bản qui phạm pháp luật đảm bảo đúng pháp luật của Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, xây dựng lực lượng cảnh sát giao thông văn hóa trong ứng xử, trong sạch, vững mạnh, hiệu quả trong công tác, được nhân dân tin yêu, ủng hộ.
2.         Các giai đoạn sau năm 2015:
-           Căn cứ vào chương trình, kế hoạch của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Bộ công an sẽ có kế hoạch cụ thể thực hiện bảo đảm đúng lộ trình đề ra, và để hoàn thành được kế hoạch cần có sự quan tâm nhiều hơn của Chính phủ Việt Nam, sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế thì lực lượng cảnh sát giao thông mới hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:171349
Lượt truy cập: 176.123.308