Nếu chỉ bình xét dưới con số thống kê, thiệt hại về người và của do tai nạn giao thông (TNGT) trong quý I.2011 là giảm so với cùng kỳ năm trước; thế nhưng nếu chỉ tính nửa cuối của tháng 3, thì số vụ TNGT có tính chất thảm khốc (chết tập thể, đâm hàng loạt) gia tăng đến mức đáng ngại.
Điều đáng nói là ở những vụ tai nạn này, nguyên nhân do ý thức kém của con người là chủ yếu...
Hàng nghìn người thiệt mạng mỗi năm, hàng vạn người mang thương tật suốt đời, hàng trăm tỉ tài sản vật chất bị huỷ hoại... Đã đến lúc TNGT phải được đặt lên thành vấn nạn cần phòng ngừa hàng đầu.
Loạn “xe điên”
Chiều 21.1, chiếc xe Camry, mang BKS 29A - 072.55 đang lưu thông từ hướng Cầu Giấy - Xuân Thuỷ (HN), đến ngã ba Chùa Hà thì mất lái và chồm lên đâm vào 2 xe đi cùng chiều (một xe Lead của Honda, màu đen, BKS 30L2 - 7754; một xe Attila của SYM, màu vàng, BKS 30K3 - 0831). Chiếc xe “điên” chỉ dừng lại sau khi đâm vào dải phân cách. Vụ tai nạn làm 2 người chết tại chỗ, 3 người bị thương nặng.
Ngày 15.2, “xe điên” gây tai nạn làm chết và bị thương 2 người ở trước trường Mầm non Tuổi Ngọc, số 366/6 Bùi Minh Trực, P.6, Q.8, TPHCM. Lái xe Nguyễn Trần Trang Thảo (33 tuổi, ngụ Q.8, TPHCM) không có giấy phép lái xe.
Ngày 2.3, chiếc Toyota Yaris bất thần vọt từ cổng trụ sở Bộ Kế hoạch - Đầu tư (65 phố Văn Miếu, HN) lao ngang qua đường Văn Miếu, đâm thẳng vào đoàn khách du lịch đang chuẩn bị vào tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám khiến một du khách bị thương. Nguyên nhân xác định là một nam bảo vệ điều khiển xe không quen hệ thống số tự động nên không kiểm soát được.
|
Vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 12/2/2010, trên quốc lộ 1
(thuộc địa phận xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
|
Sáng ngày 4.3, nam tiếp viên hàng không Nguyễn Huy Tùng điều khiển xe Toyota Yariss tốc độ cao đã tông chết 2 cảnh sát cơ động. Sau khi tông xế hộp vào xe máy của hai cảnh sát, tài xế Tùng kéo lê nạn nhân chừng 40 m mới dừng lại. Lái xe định bỏ chạy nhưng đã bị cảnh sát giữ lại. Khi ra khỏi xe, người này có lời lẽ thách thức cán bộ làm nhiệm vụ.
Khoảng 0h15 ngày 9.4, xe Captiva màu đen phóng tốc độ cao trên phố Lý Thường Kiệt (HN) đâm liên tiếp vào xe máy Wave do hai người điều khiển và một người đi xe máy Airblade, rồi lao vào một tủ điện. 3 nạn nhân bị thương phải đưa đi cấp cứu. Trong khi người dân tụ tập đứng xem vụ tai nạn trên, một ôtô Kia 4 chỗ cũng phóng nhanh trên đường Lý Thường Kiệt, đã đâm vào một xe máy chở 2 thanh niên làm họ bị thương nặng.
Bị người dân truy đuổi, chiếc Kia chạy tiếp sang phố Khâm Thiên, đến số nhà 37-39 thì đâm vào một xe máy làm một người bị thương. đến trước nhà số 178 Khâm Thiên, chiếc Kia đâm tiếp vào một nữ công nhân Công ty Môi trường đô thị HN và kéo lê người này đi xa khoảng 100m, khiến nạn nhân chết tại chỗ. Lái xe có dấu hiệu sử dụng rượu.
“Xe điên” hay người điên?
Điều đáng nói và thực trạng đau lòng của phần lớn các vụ TNGT có tính chất thảm khốc nhất lại không phải do lỗi khách quan (như cơ sở hạ tầng yếu kém, đường sá không đạt tiêu chuẩn) mà là do ý thức tồi tệ của con người. Thực trạng lái xe không có giấy phép điều khiển phương tiện, điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn, cố tình vi phạm luật lệ giao thông, chống người thi hành công vụ... đang gia tăng đến mức đáng báo động.
Tại Hội nghị Sơ kết thực hiện Kế hoạch số 16/KH ngày 10.2 về tăng cường xử lý người ngồi trên xe môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, Lực lượng CSGT đường bộ thống kê đã kiểm tra, xử lý trên 90.000 trường hợp, phạt thành tiền 18 tỉ đồng, tạm giữ 577 môtô, xe máy và 1.603 bộ giấy tờ.
Về vi phạm Luật Giao thông đường bộ , chỉ tính riêng TP Hà Nội, Các lực lượng CA đã kiểm tra, xử lý hơn 167.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đường sắt (tăng gần 82.000 trường hợp so với cùng kỳ năm 2010); phạt thành tiền hơn 22,6 tỉ đồng (tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm trước); xử lý gần 300 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thuỷ nội địa…
Một vụ tai nạn nghiêm trọng do xe tải chở xi măng gây ra trên đường Láng (Hà Nội) năm 2010. Ảnh: TL
Thế nhưng việc thắt chặt xử phạt dường như vẫn không làm ý thức người điều khiển phương tiện được cải thiện nhiều. Chỉ trong tháng 3, TP Hà Nội đã xảy ra 54 vụ tai nạn giao thông đường bộ (tăng 3 vụ so với tháng trước), làm 43 người chết, 27 người bị thương; 3 vụ tai tạn giao thông đường sắt, làm 13 người chết, 6 người bị thương.
Nổi cộm nhất là vào hồi 15h10 ngày 30.3, tại địa phận quốc lộ 1A cũ, đoạn gần chùa Đậu, huyện Thường Tín, Hà Nội đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng. Chiếc xe du lịch loại 16 chỗ mang BKS 20L-4564 đang rẽ vào đường đi chùa Đậu đã bị tàu hoả hiệu SE8 chạy từ Nam - Bắc đâm phải. Vụ tai nạn làm 9 người chết. Thương tâm hơn khi trong những người đưa đi cấp cứu có một gia đình gồm hai vợ chồng, một đứa con và cả 2 người trong gia đình này đều chết tại bệnh viện. Tại đây, thiết bị cảnh báo hoạt động tốt nhưng ôtô cố tình vượt qua đường sắt, tài xế khai nhận do mải “buôn” điện thoại.
Thực trạng tài xế lái xe ben, xe côngtennơ, xe khách... vì “chạy đua với thời gian” mà phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách, lái đêm, cướp đường... cũng là cực kỳ phổ biến. Đa số lái xe đường dài thừa nhận “thiếu ngủ triển miên” do thường xuyên phải ôm vôlăng đến 12 giờ/ngày. Vụ tai nạn xe tải đổ dốc đâm 6 người chết và 2 người bị thương nặng ngay trước chợ Hiệp Thành, Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang sáng 28.3 cũng do nguyên nhân lái xe ngủ gật.
Theo laodong