Cấm xe tự chế là quyết tâm của Chính phủ nhằm đảm bảo trật tự ATGT

Thứ hai, 23/06/2008 00:00

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT về quyết định cấm lưu hành xe 3, 4 bánh tự chế và việc thực hiện chưa thống nhất tại nhiều địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân. Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Giao thông vận tải.

PV: Thưa Bộ trưởng, vì sao phải cấm lưu hành xe 3, 4 bánh tự chế?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Trong thời gian qua, khi ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam chưa phát triển, việc tự chế tạo, lắp ráp xe công nông (còn gọi là xe độ chế) từ các động cơ điezen một xilanh, tận dụng các tổng thành xe ô tô cũ, quá niên hạn và một số loại xe 3, 4 bánh để làm phương tiện vận chuyển đã có tác dụng nhất định trong việc vận chuyển hàng hóa, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, các xe này khi tham gia giao thông đường bộ đã bộc lộ một số bất cập, gây bức xúc như: Không đảm bảo chất lượng kỹ thuật an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thường làm cản trở tốc độ lưu thông của các xe cơ giới khác, gây mất trật tự an toàn giao thông... Do đó, để nâng cao chất lượng phương tiện, tránh để xảy ra tai nạn giao thông đáng tiếc và giảm thiểu ùn tắc giao thông, Chính phủ đã xây dựng lộ trình để loại dần các xe "tự chế tạo" không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Điều này gần đây đã được thể hiện trong quy định "đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh" tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ. Đây là quyết tâm của Chính phủ trong việc thực thi Luật Giao thông đường bộ.

Luật Giao thông đường bộ (được Quốc hội khóa X thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2001 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2002) đã quy định rõ "nghiêm cấm đưa xe cơ giới không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật vào hoạt động trên đường bộ" (khoản 4 Điều 8); đồng thời cũng quy định cụ thể "điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới, xe thô sơ" (Điều 48 và Điều 51).

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì hành vi "điều khiển xe cơ giới tự sản xuất, lắp ráp tham gia giao thông" ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt chính (phạt tiền), còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện.

PV: Chủ trương đã có nhưng việc thực hiện ở nhiều địa phương khác nhau, gây bức xúc trong dư luận? Bộ trưởng giải thích thế nào về việc này?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng:Tôi muốn làm rõ thêm chủ trương của Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với một số loại phương tiện vận tải mà hiện nay đang có các vấn đề về an toàn kỹ thuật, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, cản trở lưu thông đối với phương tiện khác.

Đối với xe công nông, trước khi thực hiện NQ 32, vào cuối năm 2004, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 46/2004/CT-TTg về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ; trong đó, quy định thời hạn tối đa được phép tham gia giao thông đối với xe công nông là đến ngày 31/12/2007. Như vậy, lộ trình thực hiện việc đình chỉ lưu hành xe công nông là 03 năm. Đối tượng "xe công nông" bị đình chỉ lưu hành là xe chủ yếu được "lắp ráp từ các động cơ điezen một xi lanh và tận dụng các tổng thành ô tô". Nội dung của Chỉ thị cũng đã hướng dẫn rõ: loại xe máy kéo nhỏ phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp (hay còn gọi là máy nông cơ) được sản xuất công nghiệp theo thiết kế được duyệt, thường có các chức năng như: làm đất, bơm nước, phát điện, vận chuyển… không bị cấm lưu hành. Phạm vi hoạt động của xe máy kéo nhỏ do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

Theo chủ trương này, một số địa phương căn cứ vào tình hình thực tế đã thực hiện thành công việc cấm xe công nông tham gia giao thông sớm hơn thời hạn quy định. Tuy nhiên, một số địa phương lúng túng trong việc triển khai thực hiện quy định do cách hiểu khác nhau về đối tượng, phạm vi áp dụng; trong đó có cả việc hiểu sai rằng quy định nêu trên bao hàm cả việc đình chỉ sử dụng máy kéo nhỏ phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ ra đời trong bối cảnh tình hình trật tự an toàn giao thông đang trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội, đòi hỏi Chính phủ phải thực hiện đồng bộ để kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Nghị quyết có quy định "từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông".

Thực tế triển khai cho thấy việc đình chỉ lưu hành xe ô tô hết niên hạn sử dụng và xe công nông nói chung là thuận lợi, đạt sự đồng thuận cao của các địa phương trên cả nước, đặc biệt là đối với loại xe quá niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, cũng còn một số ý kiến cho rằng không nên cấm sử dụng xe công nông làm phương tiện vận tải. Về mặt kỹ thuật và an toàn, tôi không thấy có lý do hợp lý để có thể ủng hộ việc sử dụng lại những chi tiết và tổng thành của xe ô tô quá niên hạn đã bị thải loại để tự lắp ráp, chế tạo ra xe công nông và cho phép xe lưu thông. Ngoài ra, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn Luật thì hành vi tự sản xuất, lắp ráp, cải tạo phương tiện cơ giới đường bộ và hành vi điều khiển phương tiện cơ giới tự sản xuất, lắp ráp, cải tạo tham gia giao thông là những hành vi trái pháp luật.

Ngoài việc đình chỉ "xe hết niên hạn và xe công nông", Nghị quyết 32 yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng đình chỉ lưu hành đối với "xe 3, 4 bánh tự chế". Riêng đối với quy định này, trong thực tế triển khai, kết quả đạt được còn hạn chế, nhiều địa phương còn lúng túng, chưa thống nhất và triệt để.

Để thống nhất trong nhận thức và triển khai tại các địa phương, Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 1/2008 của Chính phủ (Nghị quyết 05/2008/NQ-CP ngày 04/02/2008) đã chỉ đạo các địa phương và Bộ, ngành liên quan về vấn đề nêu trên, trong đó có quy định "Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy định cấm lưu hành đối với các loại xe cơ giới ba bánh hiện có đang lưu hành (kể cả xe cơ giới ba bánh nhập khẩu) trong nội thành, nội thị và các quốc lộ (trừ xe xích lô phục vụ du lịch, xe thu gom rác thải phục vụ vệ sinh môi trường, xe làm phương tiện đi lại của thương binh, người tàn tật); quy định các khu vực khác và thời gian được phép lưu hành của xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương".

Nghị quyết cũng đồng thời quy định "không cấp phép mới cho lưu hành thêm các loại xe cơ giới ba bánh" để định hướng, khuyến khích phát triển sử dụng các phương tiện vận tải đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường.

PV: Việc đình chỉ lưu hành xe tự chế có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con, đặc biệt là dân nghèo. Các cơ quan chức năng có hướng giải quyết tiếp theo như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người dân?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương này, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu hướng dẫn chính sách chung về việc hỗ trợ các chủ phương tiện không được phép lưu hành để họ có điều kiện chuyển đổi phương tiện hoặc nghề nghiệp; giao ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành trước ngày 31/12/2008 các chính sách cụ thể hỗ trợ việc chuyển đổi nghề nghiệp hoặc thay thế các phương tiện giao thông không được phép lưu hành; hoàn thành trước ngày 30/6/2008 việc rà soát, ban hành các quy định về điều kiện an toàn, đăng ký, cấp biển số các loại xe thô sơ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo ngành công nghiệp ô tô nghiên cứu, sản xuất các loại xe tải nhẹ (trọng tải từ 500 kg đến 3.500 kg), đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện hoạt động của khu vực nông thôn, miền núi, có giá thành hợp lý để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi phương tiện của người dân. Chỉ tính riêng trong năm 2007, các doanh nghiệp đã đưa ra thị trường tới 47.000 xe tải nhẹ, xe nông dụng để đáp ứng nhu cầu thay thế xe công nông.

Riêng đối với các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là khu vực có nhiều xe công nông, điều kiện kinh tế còn khó khăn, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ để người dân thay thế xe công nông bằng xe tải nhẹ, xe nông dụng (Quyết định số 1491/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ để thay thế xe công nông, xe tải quá niên hạn sử dụng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên). Hiện đã có hơn 500 chủ phương tiện nhận hỗ trợ này. Sau khi tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ nói trên, Chính phủ sẽ xem xét việc áp dụng đối với các địa phương khác.

Các giải pháp cần tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; Các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương và nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao; Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP và Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP của Chính phủ.

PV: Xin cảm ơn ông.

Nam Anh (Thực hiện)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:94449
Lượt truy cập: 176.228.741