Cần có chính sách mới cho cảnh sát giao thông

Chủ nhật, 24/12/2006 00:00
Tôi là một cán bộ thường xuyên phải công tác ở nhiều nước khác nhau. Nhìn người mà ngẫm đến ta, tôi chỉ xin được hiến một kế mọn để nước ta có một trật tự giao thông tốt hơn, ít người phải chết oan uổng hơn, dù đó là giáo sư hay một người ăn mày.

Tôi là một cán bộ thường xuyên phải công tác ở nhiều nước khác nhau. Nhìn người mà ngẫm đến ta, tôi chỉ xin được hiến một kế mọn để nước ta có một trật tự giao thông tốt hơn, ít người phải chết oan uổng hơn, dù đó là giáo sư hay một người ăn mày.

CSGT điều khiển giao thông tại Hà Nội. Ảnh : Hồng Vĩnh
Ở VN ta số lượng CSGT rất nhiều. Hàng ngày đi trên phố ta thấy ở các ngả đường lớn đều có họ. Để xảy ra tai nạn nhiều, lỗi một phần do CSGT chưa làm hết trách nhiệm.

Song tôi lại thấy rất thương các đồng chí này, họ phải làm việc quá vất vả, hại sức khoẻ do phải dầm mưa dãi nắng, hút phải quá nhiều bụi bẩn trong khi đa số người tham gia giao thông ở ta quá thiếu ý thức chấp hành, chỉ lo tranh cướp đường cho bản thân mình, tự gây ra nhiều ùn tắc giao thông không đáng có.

Tôi cũng như nhiều người VN tin chắc rằng, nếu CSGT tích cực và quyết liệt làm việc, giao thông ở ta sẽ tốt hơn. Câu hỏi rất lớn đặt ra cho Chính phủ và toàn xã hội là làm gì để CSGT làm tốt nhiệm vụ của mình?

Theo tôi, qua quan sát cách làm việc và chế độ đãi ngộ đối với CSGT của nhiều nước, CSGT có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo luật giao thông được thực hiện nghiêm, bắt buộc người tham gia giao thông phải chấp hành luật.

Muốn vậy họ phải có điều kiện và hành lang pháp lý tốt nhất để thực thi quyền lực. Chính phủ, trước hết là Bộ Công an cần có chính sách hợp lý, qui định cụ thể về việc khuyến khích CSGT tích cực làm việc, lập trật tự giao thông.

Nên có chế độ đãi ngộ CSGT xứng đáng

Cụ thể là:

- Tuyển mộ và huấn luyện thêm nhiều CSGT để làm việc tại các thành phố lớn, làm sao để họ có mặt thường xuyên tại các nút giao thông trọng điểm hoặc những nơi thường xuyên xảy ra tắc giao thông.

- Ban hành chính sách cho phép họ được phạt tất cả các vi phạm giao thông, dù là nhỏ nhất, với các mức phạt được cụ thể hoá và công khai hoá trong toàn xã hội; cho phép họ được hưởng ít nhất 50% số tiền mà họ phạt, họ càng phạt được nhiều người vi phạm thì càng được hưởng nhiều tiền.

Thiết nghĩ cái được của Chính phủ, của xã hội không phải là ở số tiền phạt của người vi phạm luật giao thông nộp mà ở chỗ luật giao thông được thực hiện nghiêm, hạn chế tối đa tình trạng ách tắc và tai nạn.

Ở Mỹ, một cảnh sát được hưởng tới 30 đến 40% số tiền phạt do người đó phạt người vi phạm. Điều này khuyến khích họ làm việc nhiều, không quản ngày đêm và thực ra điều này hoàn toàn xứng đáng với nỗi nhọc nhằn mà họ gánh chịu.

Về cơ chế phạt và nộp phạt

- CSGT phạt người vi phạm và ghi rõ chi tiết phạt vào 2 phiếu, CSGT giữ 1 phiếu và người vi phạm giữ 1 phiếu. Trong phiếu phạt có ghi rõ số tiền, tên, chức vụ và số hiệu cảnh sát của CSGT; tên, địa chỉ, số CMT, lỗi của người vi phạm. Cuối ngày làm việc CSGT đến ngân hàng trao danh sách những người vi phạm mà mình phạt để ngân hàng theo dõi kèm theo các phiếu phạt.

- Trong vòng 1 tuần kể từ ngày bị phạt, người vi phạm phải đến ngân hàng (được chỉ định thu loại tiền này) nộp phạt. Nếu trong thời gian đó người vi phạm không nộp, ngân hàng lập danh sách báo cho cảnh sát và CSGT có bộ phận chuyên cưỡng chế chấp hành phạt vi phạm giao thông gửi giấy báo nhắc người vi phạm và cho phép 1 tuần để nộp phạt nhưng số tiền phạt bị tăng gấp 2 lần, sang tuần thứ 3 nếu người vi phạm cố tình không nộp thì CSGT sẽ đến từng nhà để cưỡng chế theo đúng luật qui định cho đến khi người đó phải nộp đủ tiền phạt.

- Ngân hàng theo dõi đúng và sau một thời gian nào đó (do Bộ CA và ngân hàng qui định) báo cho CSGT (theo kênh định sẵn) lĩnh phần trăm được mà họ được quyền hưởng.

- Cảnh sát nào vi phạm (tự ý lấy "tiền tươi" của người vi phạm; chây lười để thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông ở khu vực mình phụ trách vv...) sẽ bị xử lý nặng và công khai. Người dân được khuyến khích tố cáo cái sai của CSGT qua một đường dây nóng (cả bằng điện thoại hay email và báo chí).

Điều này sẽ buộc CSGT phải làm việc nghiêm túc. Tất nhiên làm việc này không đơn giản do trình độ phát triển nhiều mặt ở ta còn thấp. Song nếu ta thực sự kiên quyết làm thì tôi ước tính ở các thành phố lớn có thể thu được tiền nộp phạt của ít nhất 60-70% người vi phạm.

Số tiền này đủ để duy trì một đội quân làm việc này như ở một số nước đang làm (ở nước ngoài người ta nộp phạt trên mạng, theo thẻ ngân hàng, còn ở ta chưa làm việc này được nên phải có đội quân chuyên trách cưỡng chế nộp phạt) và khuyến khích anh em CSGT làm việc hết mình, không cần phải làm "anh hùng núp" và "làm luật" một cách tuỳ tiện làm đổi trắng thay đen tuỳ theo đồng tiền.

Tôi đã chứng kiến cảnh một CSGT làm nhiệm vụ ở ngã tư phố Phương Mai cắt Lương Định Của như sau: người đi xe máy, xe đạp tranh nhau đường, xông lên trước, chiếm hết làn đường ngược chiều, bất chấp CSGT, gây ùn tắc thường xuyên ở đây.

Chiều muộn hôm đó, anh CSGT đã dùng loa điều khiển giao thông nhưng mọi người vẫn mạnh ai nấy chạy. Anh ta liền dùng một xe tải và tự mình đi trước đầu xe, mồm nói trên loa: "Nếu các người lấn đường không tự dẹp cho bên này đi thì xe tải này sẽ đâm vào các vị và tôi sẽ chịu trách nhiệm về việc này".

Nhiều người dân lên tiếng ủng hộ anh ta và rất nhanh chóng những kẻ lấn làn đường đã phải tự dẹp sang bên phải để dòng người làn bên kia đi và giao thông được thông suốt.

Tôi thầm khen sự nhanh trí và dũng cảm của người CSGT ấy, mặc dù biện pháp anh ta làm hơi "quân phiệt". Nhưng tôi và nhiều người hôm đó ủng hộ và cảm ơn anh.

Phạm Văn Thanh (Email: thanh...@yahoo.com)

(Trích đăng từ báo Tiền Phong Online)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:172706
Lượt truy cập: 176.367.834