Xây dựng tuyến đường metro là một công việc rất tốn kém đòi hỏi nhiều vốn đầu tư nên các yêu cầu về tính hiệu quả, thuận tiện, hợp lý của nó trong hiện tại và tương lai được đặt rất cao để tránh sự tuỳ tiện chúng ta cần có các nguyên tắc. Các nguyên tắc thiết kế tuyến đường, bố trí các ga trên tuyến và những vấn đề quan trọng phải giải quyết trong quá trình thiết kế xây dựng tuyến metro. Dưới đây xin đề xuất một số nguyên tắc sau:
1. Phải dựa trên quy hoạch tổng thể mạng lưới metro.
Quy hoạch tổng thể (QHTT) mạng lưới metro phải được xây dựng phù hợp với QHTT phát triển mạng lưới giao thông đô thị (GTĐT). Do những hạn chế nhất định mà trong các QHTT phát triển giao thông vận tải (GTVT) đô thị trước đây đã không chú ý đúng mức tới phát triển đường sắt đô thi. Bởi vậy trước mắt cần có quy hoạch lại về phát triển mạng lưới GTĐT để làm cơ sở cho việc phát triển đường sắt đô thị nói chung và mạng lưới metro nói riêng. Các tuyến metro không được thiết kế riêng biệt mà phải theo một QHTT trong đó các tuyến phải được định rõ hưởng tuyến, chiều dài và lịch trình. Đối với một đô thị đã có mạng lưới metro thì tuyến đường mới phải hài hoà trong tổng thể chung của mạng mà thông thường đã được dự tính trong quy hoạch chung ban đầu. Đối với các đô thị của chúng ta các tuyến đường metro đầu tiên phải có liên hệ chặt chẽ và phát triển hài hoà trong mạng lưới GTĐT sẵn có (xem Hình 1).
2. Phải thuận tiện cho hành khách, đáp ứng được nhu cầu phục vụ của hành khách về mặt chất lượng.
Mỗi tuyến đường metro là một bộ phận trong hệ thống vận tải đô thị nên nó phải được xây dựng và phát triển hài hoà trong hệ thống chung mà tiêu chí quan trọng nhất ở đây là đáp ứng được nhu cầu phục vụ của hành khách một cách thuận tiện nhất
Nhu cầu của hành khách ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng là với một giá vé hợp lý hành khách phải được hưởng:
- An toàn và tiện nghi trong quá trình đi lại;
- Tốc độ vận chuyển cao;
- Thời gian đợi tầu ít;
- Dễ chuyển từ tuyến này sang tuyến khác;
- Dễ chuyển từ metro sang các phương tiện vận chuyển khác và ngược lại;
- Dễ tiếp cận với hệ thống metro. Việc đi từ nhà đến metro và từ metro về nhà phải thuận tiện.
3. Phải phù hợp với sự bố trí các điểm dân cư, kinh tế, văn hoá, giao thông trên địa bàn đô thị.
QHTT phát triển đô thị và các kết quả điều tra nhu cầu hành khách sẽ là cơ sở để vạch tuyến và vị trí của các ga trên tuyến. Tuyến đường sẽ phải đi qua các điểm đông dân cư và các điểm kinh tế, văn hoá nơi có nhiều hành khách. Vị trí, quy mô của mỗi ga trên tuyến phải được xác định trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hành khách.
4. Phải có bước đi hợp lý, phù hợp với số lượng hành khách và tính chất của luồng khách trong từng thời kỳ.
Quá trình phát triển kinh tế và đô thị hoá dẫn đến việc số dân sống trong các đô thị tăng lên nhanh chóng. Khối lượng vận chuyển hành khách không ngừng tăng và tính chất của luồng khách cũng đặc biệt. Mật độ hành khách trên tuyến biến động rất lớn trong ngày. Vào giờ cao điểm số hành khách tăng rất lớn so với các thời điểm khác. Tuyến đường phải được phát triển theo các bước hợp lý trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu vận chuyển trong các thời kỳ. Số lượng hành khách trong năm và số lượng hành khách theo các thời điểm trong một ngày có thể xác định bằng các phương pháp điều tra nhu cầu đi lại hoặc dự báo. Mối quan hệ giữa năng lực thông qua cần thiết và năng lực thông qua thiết kế phải hài hoà nếu không sẽ dẫn đến sự quá tải của hệ thống hay lãng phí năng lực thông qua.
5. Phải chú ý đến sự phát triển của tuyến và các ga trong tương lai.
Khối lượng vận chuyển hành khách tăng không ngừng sẽ dẫn đến việc mở rộng quy mô của tuyến và các ga. Tuyến đường sẽ được nối dài và quy mô của các ga sẽ lớn hơn. Vấn đề này phải được xem xét ngay từ đầu nếu không sẽ dẫn đến các khó khăn rất lớn khi phải nâng cao năng lực thông qua và năng lực chuyên chở của tuyến.
6. Phải thuận tiện cho công tác khai thác và chú ý đến hiệu quả kinh tế.
Ngay từ khi thiết kế tuyến phải tính đến việc khai thác tuyến đường vì việc thiết kế và xây dựng tuyến cũng chỉ là phục vụ cho công tác khai thác sau này. Các điểm giao nhau giữa các tuyến đường, điểm quay vòng đoàn tầu phải được tính toán hợp lý Mặt khác hiệu quả kinh tế trong xây dựng và khai thác cũng cần được chú ý vì đây là một trong các cơ sở để duy trì và phát triển tuyến đường.
Phần quan trọng tiếp theo là bố trí các ga trên tuyến. Trước khi sắp xếp các ga vào một tuyến đường metro cần hiểu rõ về ga metro và các công tác nhà ga. Ta có thể định nghĩa như sau: Ga metro là một điểm phân giới trên tuyến có làm tác nghiệp hành khách. Ga là đơn vị sản xuất kinh doanh cơ bản của hệ thống metro vì:
- Là nơi thực hiện các tác nghiệp đầu và cuối của quá trình vận chuyển;
- Chiếm nhiều vốn đầu tư về xây dựng cơ bản và trang thiết bị kỹ thuật.
Ngoài chi phí xây dựng ga rất lớn, trong ga còn nhiều thiết bị quan trọng cần nhiều vốn đầu tư như thang máy, thiết bị bán vé....
- Sử dụng nhiều lao động có trình độ chuyên môn cao;
- Là trọng điểm để thực hiện công tác marketing tiếp thị.
Trong hệ thống metro, ga là điểm duy nhất có thể trực tiếp tiếp xúc với hành khách. Bởi vậy các ga luôn là trọng điểm làm công tác marketing cho các doanh nghiệp vận tải.
Bố trí, thiết kế các ga trên tuyến là một công việc phức tạp không thể tiến hành tuỳ tiện, tác giả xin đề xuất các nguyên tắc bố trí và thiết kế ga như sau:.
+ Phải thuận tiện cho việc đi lại của hành khách. Đảm bảo cho người dân dễ tiếp cận với metro.
Điểm đặt ga phải là nơi có nhiều khách đi lại, các điểm dân cư hoặc các tụ điểm kinh tế, văn hoá, du lịch. Hành khách đến ga metro phải được phục vụ chu đáo. Việc trung chuyển của hành khách từ tuyến đường này sang tuyến đường khác, từ phương tiện metro sang các phương tiện vận chuyển khác và ngược lại phải thuận lợi.
+ Phải thuận tiện cho công tác khai thác.
Việc bố trí và thiết kế các điểm đỗ, điểm giao tiếp giữa các tuyến đường phải thuận tiện cho công tác đón gửi tầu từ các hưởng của mỗi ga. Các ga trung chuyển giữa metro với các phương tiện vận chuyển khác hoặc giữa tuyến đường này với tuyến đường khác phải được thiết kế phù hợp với các yêu cầu cụ thể của công tác khai thác trên địa điểm đó. Các trạm chính và trạm quay đầu máy phải ở vị trí thuận lợi cho việc quay vòng đoàn tàu.
+ Phải có khả năng mở rộng và phát triển trong tương lai.
Cùng với sự phát triển của xã hội nhu cầu vận chuyển cũng tăng không ngừng. Các ga sẽ phải mở rộng quy mô để đón một lượng khách lớn hơn. Một số ga sẽ phải trở thành điểm giao tiếp với một hoặc nhiều tuyến đường khác. Nếu không được xem xét từ ban đầu thì khi cần mở rộng sẽ rất khó khăn
+ Cự ly giữa các ga phải hợp lý
Khoảng cách trung bình giữa các ga metro không nên quá dài hoặc quá ngắn. Quá dài sẽ bỏ qua các điểm cần phục vụ hành khách. Quá ngắn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ chạy tầu, và chi phí khai thác vì tầu phải tăng giảm tốc liên tục. Ngoài ra cự ly khu gian quá ngắn sẽ làm tăng chi phí xây dựng vì trong chi phí xây dựng tuyến đường thì chi phí xây dựng ga chiếm một tỷ trọng khá lớn. Trong một số dự án đường sắt đô thị gần đây đã bố trí cự ly giữa các ga quá ngắn dẫn đến chi phí xây dựng tuyến đường tăng cao. Đây là một sự lãng phí rất lớn cho nhà nước. Quan điểm cho rằng khoảng cách giữa các ga metro dứt khoát phải bằng hoặc nhỏ hơn 1 km để khoảng cách đi bộ của người dân đến ga nhỏ hơn hoặc bằng 500m là hoàn toàn sai lầm.
Bởi vì trên mặt đất còn nhiều phương tiện vận tải khác, những khoảng trống mà metro không tiện vươn tới thì đã có các phương tiện vận tải khác bổ xung.
Trên đây là một số vấn đề về thiết kế một tuyến metro. Các vấn đề này cần được nghiên cứu sâu hơn trước khi bắt tay vào việc xây dựng tuyến để tránh lãng phí và phát huy được hiệu quả kinh tề của tuyến đường./
PGS. TSKH NGUYỄN HỮU HÀ - ĐH Giao thông vận tải