Chỉ cần gắn vào xe tải, xe hơi… một thiết bị thu phát sóng, đơn vị quản lý có thể nắm được số lần ra vào, trọng lượng mỗi chuyến hàng, hiệu quả làm việc, và những thông số chi tiết khác về hoạt động của xe.
Đó là tiện ích của hệ thống quản lý xe tự động do kỹ sư Đào Trung Luân, Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương cùng hai kỹ sư trẻ Dương Hiếu Phát và Nguyễn Mạnh Dũng nghiên cứu, lắp đặt thành công
Loại trừ hành vi gian dối
Tốt nghiệp ngành điện tử, nên khi được Công ty cổ phần Núi Đá Nhỏ, huyện Dĩ An, Bình Dương nêu vấn đề nghiên cứu thiết bị quản lý xe tải với chi phí thấp, dễ lắp đặt, sửa chữa, kỹ sư Đào Trung Luân không ngần ngại nhận lời.
Cân nhắc nhiều giải pháp, cuối cùng anh chọn công nghệ nhận dạng bằng sóng radio RFID (Radio Frequency Identification) làm công nghệ chính để chế tạo bộ thiết bị này.
Thiết bị bao gồm: bộ phát sóng radio đặt trên xe, bộ thu sóng, đèn báo nhận diện, camera ghi hình ảnh, thời gian xe hoạt động, phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu.
Chúng là sự kết hợp hiệu quả các lĩnh vực: chế tạo phần cứng, lập trình phần mềm quản lý, mã hóa thu phát sóng vô tuyến, quản lý bằng mã vạch, trao đổi thông tin qua mạng, bảo mật thông tin kèm ảnh.
Nhờ vậy, hệ thống quản lý xe này hết sức gọn nhẹ. Xe sẽ được gắn một thiết bị phát sóng radio chỉ nhỏ bằng bật lửa. Còn bộ phận nhận sóng, đèn báo, máy tính, camera được đặt tại một trạm kiểm soát cố định.
Khi xe đi qua trạm kiểm soát, bộ phận nhận sóng sẽ thu sóng, nhận diện xe dưới dạng mã vạch riêng rồi truyền thông tin nhận được vào máy tính. Phần mềm trong máy tính xử lý thông tin, phát lại tín hiệu báo cho tài xế biết là xe đã được nhận diện. Đồng thời, máy tính tiếp tục kích hoạt camera ghi lại hình ảnh, biển số xe để làm cơ sở hậu kiểm khi cần thiết.
Sau khi tổng hợp các thông tin cần thiết, phần mềm sẽ lưu trữ, in phiếu vận chuyển và phiếu mã vạch. Những thông tin này sẽ tiếp tục được truyền về hệ thống quản lý trung tâm được trang bị phần mềm quản lý danh mục, tổng hợp dữ liệu qua mạng máy tính.
Nhờ vậy, chỉ cần kiểm tra trên máy tính, bộ phận quản lý sớm biết được hiệu quả của từng xe để có sự điều chỉnh hợp lý. Mặt khác, đơn vị cũng loại trừ được các hành vi bắt tay gian dối giữa tài xế và bộ phận kho bãi…
Ứng dụng rộng rãi
Theo xác nhận của anh Phát, nhân viên Công ty cổ phần Núi Đá Nhỏ, hệ thống này đang được vận hành hiệu quả để quản lý 40 xe tải ra vào mỗi ngày tại công ty.
Nhờ quản lý xe bằng sóng được chuyển thành mã vạch, công ty không cần tốn công sức, thời gian để viết các loại giấy báo và nhập phiếu thống kê như trước đây. “Bây giờ không còn phải thống kê thủ công, nên rắc rối khi tính toán trả lương cho nhân viên cũng chấm dứt”, anh Phát cho biết.
Giá của hệ thống này chỉ khoảng 15% so với giá sản phẩm nhập ngoại (chi phí cho hệ thống chỉ khoảng 2.370 USD trong khi nhập ngoại khoảng 17.000 USD). Hơn thế, khoảng cách hoạt động hiệu quả giữa bộ thu - phát tín hiệu đạt đến 100 m còn thiết bị ngoại nhập chỉ có thể nhận sóng trong phạm vi tối đa 10 m.
Các tác giả cho biết, hệ thống quản lý xe tự động có thể ứng dụng rộng rãi để quản lý xe trong các doanh nghiệp, kho bãi, cầu cảng, các tòa nhà cao tầng, các bãi giữ, quản lý lộ trình hoạt động của tuyến xe và dùng được cả trong các trạm thu phí cầu đường.
Kỹ sư Luân đang nghiên cứu để hệ thống có thể nhận biết khối lượng hàng hóa thực tế của một xe bằng sóng siêu âm mà không cần kiểm tra bằng cân nặng.
Anh cũng phát triển thêm một hệ thống quản lý và nhận diện xe để kiểm soát lưu lượng xe lưu thông trên các tuyến đường, giúp ngành giao thông quản lý hoạt động các tuyến đường hiệu quả hơn.
ĐT (sưu tầm)