Triển vọng mới cho ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam

Thứ tư, 15/04/2009 00:00
Trong chiến lược phát triển đến năm 2020, ngành đóng tàu Việt Nam cần ít nhất 1,5 tỉ USD để hiện đại hóa hoạt động và nhập khẩu công nghệ tiên tiến. 70% thiết bị sản xuất tại các nhà máy đóng tàu hiện nay như thiết bị động cơ thủy diesel, cơ cấu lái thủy lực, cần trục tới 120 tấn, máy nén khí, máy nghiền tay quay, máy cắt plasma, máy hàn... phải nhập khẩu, trong khi túi tiền doanh nghiệp có hạn.
Trong chiến lược phát triển đến năm 2020, ngành đóng tàu Việt Nam cần ít nhất 1,5 tỉ USD để hiện đại hóa hoạt động và nhập khẩu công nghệ tiên tiến. 70% thiết bị sản xuất tại các nhà máy đóng tàu hiện nay như thiết bị động cơ thủy diesel, cơ cấu lái thủy lực, cần trục tới 120 tấn, máy nén khí, máy nghiền tay quay, máy cắt plasma, máy hàn... phải nhập khẩu, trong khi túi tiền doanh nghiệp có hạn.

Trong tháng 2 và tháng 3 năm 2009, thêm hai sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu được thiết kế và chế tạo thành công ở Việt Nam. Tuy là những sản phẩm không lớn, nhưng ý nghĩa của nó thật quan trọng.

Robot hàn - Triển vọng mới cho ngành công nghiệp đóng tàu

Đây là sản phẩm robot hàn đứng được chế tạo thành công và kỳ vọng sẽ mang đến một triển vọng mới cho ngành công nghiệp đóng tàu trong nước. Tác giả là KS Lê Công Danh, giảng viên khoa Cơ khí, Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM. Khi bắt đầu nghiên cứu công trình này, anh mới là chàng sinh viên vừa ra trường. Danh đã mạnh dạn đăng ký ngay với Sở KH-CN thực hiện đề tài “Robot hàn đứng ứng dụng trong công nghệ đóng tàu”.

Thiết kế robot có 2 phần quan trọng nhất là phần cứng (thiết kế - gia công phần cơ) và phần mềm (điều khiển lập trình). Từ thực tế nhiều lần tham quan, tìm hiểu công nghệ hàn tại Xí nghiệp Đóng tàu Sài Gòn, các xưởng cơ khí của người quen và tận mắt chứng kiến cảnh công nhân hàn làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, năng suất thấp…, chàng sinh viên yêu thích bộ môn cơ khí này đã hình thành ý tưởng sáng chế robot hàn. Không kể thời gian nghiên cứu, thiết kế, khi định hình được robot, Danh đã thực hiện trên 20 lần dùng robot hàn thử nghiệm tại các xưởng cơ khí, các nhà máy đóng tàu tại TPHCM.

Sau nhiều lần trục trặc, con robot hoàn toàn bị thuần phục với các tốc độ từ 100mm, 150mm, 200mm rồi lên đến 250mm/phút ở tất cả các mối hàn từ đơn giản đến phức tạp. Đường hàn có tính thẩm mỹ, chất lượng ổn định và đều hơn so với phương pháp thủ công. Đặc biệt, sai số của robot đạt mức trong khoảng ±5% (từ 0,5mm trở xuống) tương đương với sai số cho phép của các sản phẩm ngoại nhập.

Trong điều kiện thực tế, một thợ hàn trong ngành đóng tàu chỉ thực hiện mối hàn có chiều dài khoảng từ 10 - 15cm (tùy theo độ dày của tấm thép) là phải dừng do sức nóng, bức xạ nhiệt từ mối hàn tỏa ra. Thêm vào đó, người thợ phải mất thời gian kiểm tra lại mối hàn, nếu không đạt thì phải đục bỏ để hàn lại. Đó là chưa tính cả phần gia cường chống biến dạng trong quá trình hàn.

Những nguyên nhân này làm giảm hiệu quả và tiến độ thực hiện trong ngành công nghiệp đóng tàu. Với những kết quả thực tế, việc ứng dụng robot hàn đứng không chỉ tăng năng suất làm việc mà còn giảm tối đa tai nạn, nguy hiểm cho người lao động. Nếu công nhân hàn vận hành thuần thục thì một người có thể điều khiển 04 robot hoạt động liên tục cùng một lúc. Hơn nữa, so với các sản phẩm ngoại nhập cùng tính năng thì giá thành sản xuất robot hàn đứng hơn đến 30%.

Chế tạo thành công thiết bị cắt plasma CNC cỡ nhỏ phục vụ công nghiệp đóng tàu

Thiết bị cắt là một loại thiết bị quan trọng trong các nhà máy xí nghiệp có liên quan đến gia công kim loại, đặc biệt là các nhà máy đóng tàu. Thiết bị cắt plasma CNC cỡ nhỏ phục vụ công nghiệp đóng tàu là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước được GS. TS Lê Viết Lượng - Chủ nhiệm khoa Đóng tàu - Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam cùng các cộng sự tiến hành triển khai nghiên cứu, thiết kế và chế tạo từ năm 2006.

Qua quá trình khảo sát, tổng hợp thông tin và lựa chọn hướng đi thích hợp, nhóm tác giả đã nghiên cứu, chế tạo ra thiết bị cắt plasma có giá thành rẻ hơn nhiều lần so với sản phẩm nhập ngoại, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và các tiêu chuẩn kỹ thuật cao: chiều rộng cắt (2300mm), chiều dài cắt (3500mm), chiều dày cắt (30mm), tốc độ dịch chuyển 100 - 3000mm/ph, số mỏ cắt (1 mỏ cắt plasma, có thể lắp thêm 4 mỏ oxi-gas), độ chính xác định vị (±0,5mm), độ chính xác lặp lại (±0,5mm), dòng cắt điều chỉnh (25-150A). Đây là thiết bị cắt hoàn toàn tự động với năng suất và chất lượng cắt cao, hình dạng vật cắt đa dạng, có thể kết hợp cắt với đánh dấu tấm thép phục vụ lắp ráp trong quá trình thi công công nghệ.

Thiết bị sản xuất trong nước giá thành rẻ hơn hẳn so với thiết bị nhập ngoại, bảo hành bảo dưỡng thiết bị cũng đơn giản hơn nhiều. Thêm hai công trình là robot hàn đứng và cắt plasma được chế tạo và thử nghiệm thành công đã mang lại triển vọng mới cho ngành công nghiệp đóng tàu với những sản phẩm mang thương hiệu “made in Việt Nam”.

GV
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:79541
Lượt truy cập: 176.159.241