Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (ảnh: VnExpress).
Trước câu hỏi “Bộ GTVT đã phát hiện hiện tượng nào ăn bớt nguyên vật liệu chưa?” trong cuộc giao lưu trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 12.11, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết “chưa phát hiện ra vấn đề gì lớn”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Bộ GTVT đang tiến hành kiểm tra lại toàn bộ việc phân tích mẫu cốt liệu xem có đảm bảo yêu cầu tỉ lệ kỹ thuật thực tế hay không và trên cơ sở đó, có thể phát hiện thiếu hụt.
“Vừa rồi chúng tôi cũng tiến hành việc này, nhưng chưa phát hiện ra vấn đề gì lớn, chủ yếu vẫn là liên quan đến tải trọng, chất lượng nhựa cũng như quy trình thực hiện” - ông nói.
Liên quan đến vấn đề hằn lún vệt bánh xe hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, nguyên nhân chính chủ yếu là do xe vượt tải rất lớn, có xe vượt gấp 2 lần so với tải trọng thiết kế. Một nguyên nhân khác là do Việt Nam chưa sản xuất được nhựa đường và nhập khẩu 100% từ nhiều nguồn khác nhau, nên chưa kiểm soát được việc này một cách toàn diện.
Nhân cuộc họp trực tuyến, PV Lao Động đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường.
- Thứ trưởng có đề cập “chưa phát hiện ra vấn đề gì lớn” về nạn ăn bớt công trình; song Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan - tại cuộc họp tổ QH mới đây - phản ánh: “Tôi nghe dân nói ở các công trình giao thong, chỉ cần tiền được đầu tư vào thật 50% là tốt lắm rồi”. Nên nhìn nhận như thế nào, thưa ông?
- Nếu nói về tổ chức quy trình, chúng ta có thể kiểm soát được tất cả các vấn đề này, từ khâu thực hiện giải pháp đảm bảo chất lượng để có thể kiểm soát được hết, chứ không chỉ là bớt nguyên vật liệu. Vì ta có thiết kế, tư vấn giám sát và có tư vấn nghiệm thu và thanh quyết toán. Song ở VN hiện nay có hiện tượng các nhà thầu mời các nhà thầu phụ và các nhà thầu phụ lại mời các nhà thầu phụ khác vào theo dạng “công ty mẹ, công ty con, công ty cháu…”.
Rất nhiều nhà thầu vào làm một công trình. Vì vậy, việc kiểm soát không chặt chẽ sẽ khiến việc ăn bớt nguyên vật liệu có thể xảy ra ở một đầu nào đó. Song việc tìm ra được việc bớt xén thì cần có cơ quan điều tra mới làm được. Còn trên thực tế, một dự án bị chia cho nhiều nhà thầu phụ như vậy thì hiện đang kiến nghị sẽ không cho quá nhiều nhà thầu phụ tham gia một dự án.
- Liên quan đến việc thưởng tiến độ. Dự thảo Luật Xây dựng mới đây đề nghị nên thưởng tiến độ thi công 5% hợp đồng. Tuy nhiên, một ý kiến tại phiên họp UB Thường vụ QH cho rằng xây dựng cơ bản nên áp dụng hình thức phạt, đừng vội vàng rút ngắn thời gian thi công mà nóng vội thưởng. Bình luận của ông?
- Tôi nghĩ rằng thưởng-phạt phải đi đôi với nhau. Trong xây dựng, nếu làm kém sẽ phải bồi hoàn. Còn thưởng tiến độ, trước đây ta quy định thưởng trên phần trăm số làm lợi. Tôi cho rằng hướng đó nên duy trì.
Vì trên thực tế, khi nhà thầu huy động năng lực cũng như thiết bị để đảm bảo một tiến độ tốt hơn thì cũng nên trả lại một phần mà người ta làm lợi. Tuy nhiên, việc thưởng trên tổng phần trăm hợp đồng thì vẫn còn nhiều ý kiến. Song dù sao đã có phạt thì phải có thưởng. Đó là nguyên tắc bình đẳng.
Chúng ta đã phạt rất nhiều, thông qua việc bảo hành để nếu công trình bị hư hại trong khoảng thời gian này thì nhà thầu phải tự bỏ tiền ra để bảo dưỡng mà không được thanh toán một đồng nào.
- Thứ trưởng có thể cho biết về mức so sánh giữa tỉ lệ phạt thi công so với tỉ lệ thưởng thi công hiện nay?
- Từ trước đến nay thưởng về thi công chủ yếu là bằng tinh thần, bằng huân-huy chương, song bằng tiền thì chưa thưởng. Còn Dự án vành đai 3 là dự án đấu thầu quốc tế, các nước đều áp dụng hình thức này. Đặc biệt, nhà đầu tư Nhật Bản muốn tạo ra một ấn tượng đối với Việt Nam và họ quyết tâm xây dựng vành đai 3.
Vì vậy, Bộ GTVT quyết định vận dụng Nghị định 48 trong việc thưởng tiến độ cho Dự án vành đai 3 là phù hợp nên nay ta được công trình vượt đến 9 tháng; còn gói thầu số 3 vượt đến 15 tháng mà ta cũng chỉ thưởng số tiền cũng không lớn lắm.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!