Ngày 15/10, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN &MT) của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 9 thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 66 của Quốc hội về Dự án đường Hồ Chí Minh. Tham dự còn có các đại biểu Quốc hội chuyên trách và kiêm nhiệm của TP Hà Nội, tỉnh Thái Bình, Vĩnh Long, Ninh Thuận, Cà Mau…
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 9 thẩm tra
tình hình thực hiện Nghị quyết số 66 về Dự án đường Hồ Chí Minh của Quốc hội
Tại buổi họp, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã báo cáo tình hình thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh theo tinh thần bốn điểm của Nghị quyết 66.
Phần chính của phiên họp là ý kiến đánh giá của 7 vị đại biểu Quốc hội dành cho báo cáo mà Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã trình bày. Theo đó, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực cá nhân Bộ trưởng và tập thể Bộ GTVT đảm bảo tiến độ dự án đúng kế hoạch, xã hội hóa nguồn vốn được hơn 17.000 tỷ đồng. Theo ĐBQH TP Hà Nội Bùi Thị An, số tiền này hết sức có ý nghĩa trong tình hình vốn ngân sách ít ỏi.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, điều quan trọng nữa là hành động của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thay đổi được niềm tin của nhân dân, cử tri tin vào sự quyết đoán nói là làm của Bộ trưởng.
Các ĐBQH cũng đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng lưu tâm và tăng cường thêm công tác giám sát chất lượng và tiến độ công trình ngay từ khâu lập dự án đầu tư cho đến lúc tổ chức thi công, tránh trường hợp công trình vừa thi công xong đã xuất hiện hư hỏng. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cần lưu ý đến vấn đề như nâng cốt đường gây khó khăn cho sinh hoạt người dân và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tham dự các buổi tiếp xúc cử tri để nghe người dân góp ý về các vấn đề liên quan đến Dự án.
Một đoạn đường Hồ Chí Minh
Trả lời các ĐBQH, Bộ trưởng Đinh La Thăng mong muốn nhận được sự chia sẻ vì có những chính sách đưa ra cần phải có thời gian, bởi thực tế hiện nay phần lớn các dự án vừa khai thác vừa triển khai thi công, vướng GPMB…
Về tiến độ chất lượng công trình, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ GTVT xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và khẳng định ngành GTVT hiện nay không còn dự án chậm tiến độ vì bất cứ lý do gì (trừ các dự án cũ chuyển tiếp có vướng mắc). Bộ đã có nhiều giải pháp như thay thế Ban QLDA, nhà thầu… để đẩy nhanh tiến độ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, sẽ hoàn thành thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2017. Giai đoạn hai của Dự án sẽ tiến hành nâng cấp lên tiêu chuẩn đường cao tốc khi có điều kiện nguồn vốn…
Kết luận phiên họp, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UBKHCN&MT đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, đặc biệt là những chỉ đạo kịp thời của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã hướng Dự án đi trúng và đúng theo tinh thần Nghị quyết đề ra; Tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng và huy động được hàng ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
UBKHCN&MT nhất trí với kiến nghị của Bộ GTVT dùng tiền tiết kiệm được từ các dự án giao thông để đầu tư vào các khu vực khác. Sắp tới UBKHCN&MT sẽ báo cáo Quốc hội tạo điều kiện hơn để Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh xây dựng hoàn thành đường Hồ Chí Minh. Bộ GTVT cần chủ động điều phối, bảo đảm tiến độ, chất lượng Dự án.
Dự án đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pắc Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau) với tổng chiều dài 3.183 km, trong đó, tuyến chính dài 2.499 km, còn lại các tuyến nhánh. Mục tiêu của Dự án là tạo sự liên thông từ khu vực phía Tây Tổ quốc, kết nối chặt chẽ giữa ba miền Bắc - Trung - Nam và thành tuyến xuyên Việt thứ hai, nhằm giảm tải cho QL1. Dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA và vốn đầu tư theo hình thức BOT, BT, PPP. Để nối thông toàn tuyến từ nay đến năm 2020 cần khoảng 91.462 tỷ đồng. Trong đó, từ nay đến 2016 cần 15.500 tỷ đồng, hiện còn thiếu 2.248 tỷ đồng.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn