Chiều ngày 13/11, tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức tọa đàm về Giá cước vận tải và giải pháp giảm giá cước vận tải. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng. Cùng dự có Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải Phan Thị Thu Hiền, đại diện các Vụ, Cục trực thuộc Bộ GTVT, Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính, các Sở GTVT một số tỉnh phía Bắc, các Tổng công ty vận tải và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.
Từ đầu năm 2014 đến nay, Liên Bộ Tài chính - Công thương đã 13 lần điều chỉ giá xăng và 19 lần điều chỉnh giá dầu (trong đó xăng 5 lần tăng giá, 8 lần giảm; dầu diezen 4 lần tăng giá, 15 lần giảm giá); như vậy qua các lần điều chỉnh, giá xăng dầu hiện nay đã giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2013. Tuy nhiên, qua khảo sát đánh giá chung cho thấy mặc dù giá nhiên liệu đầu vào giảm mạnh, nhưng các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn chưa thực hiện kê khai và điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp.
Đông đảo các đại biểu tham dự Tọa đàm về Giá cước vận tải
Để thực hiện tốt công tác quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô, đảm bảo giá cước vận tải điều chỉnh phù hợp với mức giảm của giá nhiên liệu đầu vào nhất là trong giai đoạn hiện nay khi giá nhiên liệu đã được điều chỉnh giảm nhiều lần, từ đó góp phần giảm giá thành các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khác, Bộ GTVT đã có công văn gửi Tổng cục Đường Bộ Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh, thành phố và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam yêu cầu thực hiện ngay một số nhiệm vụ nhằm tuyên truyền đến các doanh nghiệp vận tải điều chỉnh giảm giá cước.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Vietnam Airlines, Vinalines, Tổng công ty Vận tải thủy Việt Nam đều khẳng định chi phí cho nhiên liệu chiếm 30-40% chi phí giá thành. Vì vậy, biến động giá nhiên liệu sẽ gây biến động lớn về giá thành cũng như giá cước vận tải. Tuy vậy, cả ba doanh nghiệp đều khẳng định, trong thời gian qua, giá cước của Vietnam Airlines, Vinalines hay cước vận tải thủy nội địa đều có xu hướng giảm. Các Sở GTVT: Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh đều đã chủ động có văn bản gửi tới các Hiệp hội vận tải, doanh nghiệp địa phương yêu cầu kê khai giá cước theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Tại các địa phương, có không ít doanh nghiệp taxi, xe bus, xe khách… đã kê khai giảm giá.
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh: Vấn đề giá cước vận tải luôn được dư luận xã hội quan tâm. Ông yêu cầu cần công khai, minh bạch điều chỉnh giá cước theo giá nhiên liệu đồng thời kêu gọi người dân tẩy chay những doanh nghiệp vận tải có giá cước cao.
Kết thúc tọa đàm, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định, trong xu thế giá xăng dầu giảm thời gian qua, giá cước vận tải đã và đang có động thái giảm một cách tích cực. Các doanh nghiệp vận tải điều hành giá theo cơ chế thị trường, Nhà nước điều hành giá bằng công cụ mang tính chất thị trường. Các doanh nghiệp vận tải đã có những phản ứng khá tích cực đối với đợt giảm giá ngày 7/11/2014. Ông bày tỏ hy vọng, sau đợt kê khai giá của Bộ Tài chính trong thời gian tới, giá cước vận tải sẽ có những chuyển biến tích cực hơn./.
KC