Chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ GTVT kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp với đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan liên quan về phương án quản lý, điều tiết số thu từ tiền phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nhằm tăng tính chủ động cho Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc kịp thời bố trí kinh phí phục vụ hoạt động của các lực lượng bảo đảm TTATGT.
Tại cuộc họp, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã thông qua dự thảo Báo cáo về đề xuất sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm TTATGT, trong đó nêu rõ những vướng mắc quy định về quản lý, sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính; vướng mắc trong quá trình lập dự toán kinh phí bảo đảm TTATGT; đồng thời kiến nghị Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia xem xét, có văn bản đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số quy định.
Phó Chủ tịch chuyên trách Khuất Việt Hùng báo cáo đề xuất sửa đổi bổ sung
một số quy định liên quan đến quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự ATGT
Cụ thể, trước mắt, tiếp tục thực hiện đúng quy định Luật Ngân sách và Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2014 của Chính phủ về việc toàn bộ kinh phí xử phạt hành chính là khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100%. Ban hành quy định hướng dẫn UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý, sử dụng khoản thu này theo đúng quy định của Luật Ngân sách theo hướng 70% sử dụng cho lực lượng Công an, 30% sử dụng cho công tác bảo đảm TTATGT các cơ quan thành viên khác của Ban ATGT.
Bên cạnh đó, bổ sung vào Điều 3 Thông tư số 137/2013/TT-BTC với hai nội dung, đó là chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác bảo đảm TT ATGT và chi sửa chữa trang thiết bị, phương tiện, xăng dầu phục vụ cho công tác bảo đảm TTATGT. Đồng thời, sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư 137/2013/TT-BTC, Ban ATGT cấp tỉnh lập dự toán kinh phí đảm bảo TTATGT, gửi Sở Tài chính cùng cấp xem xét, tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách hàng năm báo cáo UBND cấp tỉnh, để trình HĐND tỉnh theo quy định.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự ATGT
là cần thiết, nhiệm vụ ngân sách phải chi, không phụ thuộc vào xử phạt vi phạm. Ảnh Internet
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc sử dụng kinh phí bảo đảm TTATGT là cần thiết, nhiệm vụ ngân sách (trung ương và địa phương) phải chi, không phụ thuộc vào xử phạt vi phạm; Bộ trưởng yêu cầu nội dung chi phải đúng, là động lực để tái tạo lại sức lao động, đây cũng là các giải pháp về bảo đảm TTATGT.
Bộ trưởng giao Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia trên cơ sở đề nghị của các địa phương, ý kiến của các bộ, ngành liên quan và kết luận tại cuộc họp, hoàn thiện báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia về phương án quản lý, điều tiết số thu từ tiền phạt vi phạm về TTATGT nhằm tăng tính chủ động cho Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc kịp thời bố trí kinh phí phục vụ hoạt động của các lực lượng bảo đảm TTATGT, đặc biệt là lực lượng trực tiếp thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại các địa phương.
Bộ trưởng đồng ý tiếp tục thực hiện đúng quy định Luật Ngân sách và Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2014 của Chính phủ về việc toàn bộ kinh phí xử phạt hành chính là khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100%. Ban hành quy định hướng dẫn UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý, sử dụng khoản thu này theo đúng quy định của Luật Ngân sách theo hướng 70% sử dụng cho lực lượng Công an, 30% sử dụng cho công tác bảo đảm TTATGT các cơ quan thành viên khác của Ban ATGT.
“Nội dung chi phải rà soát lại, bổ sung các nội dung chi mới, còn thiếu, đặc biệt là phải ghi rõ nội dung chi bồi dưỡng cho lực lượng công an, thanh tra giao thông, cũng như các lực lượng thực thi nhiệm vụ và theo hướng cố gắng bồi dưỡng ở mức cao nhất có thể; đồng thời nghiên cứu bổ sung các nội dung chi về xây dựng đồn trạm; mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo đảm TTATGT…” - Bộ trưởng yêu cầu.
Xuân Nguyên