Tại buổi Hội thảo, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định Nghị định mới về thu hút đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP sắp được ban hành sẽ tạo ra hành lang pháp lý mới, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Bên cạnh đó, Nghị định khi thực hiện chủ trương thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông thì các dự án PPP sẽ là động lực lớn cho sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam.
Bộ trưởng đề nghị sau khi Nghị định ban hành, các bộ, ngành liên quan, các cơ quan của Bộ GTVT tiếp tục quan tâm, hướng dẫn cụ thể trong việc triển khai thực hiện trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng, bởi việc đầu tư phát triển KCHTGT là mấu chốt, tháo gỡ điểm nghẽn phát triển GTVT.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định Bộ GTVT sẽ cùng các bộ, ngành
tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và bảo đảm sự hài lòng cho người dân
Bộ trưởng cũng cho biết, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế Thế giới thực hiện tại 138 nước cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2014 tăng 16 bậc, đứng ở vị trí 74 so với vị trí thứ 90 năm 2012 và 103 năm 2010.
"Tuy nhiên, hạ tầng giao thông vẫn đứng thứ 74 so với thế giới và chưa có sự phát triển cao, vượt bậc so với các nước trong khu vực nên cần đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hơn nữa, đóng vai trò đi trước mở đường, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển", Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng cũng cho biết, từ khi có có nguồn ODA đến nay, ngành Giao thông vận tải thu hút được 17,7 tỷ USD vào 132 dự án. Trong 2 năm vừa rồi, riêng đường bộ thu hút được khoảng 8 tỷ USD. Hiện nay nhiều hạ tầng giao thông đã được đầu tư bằng nguồn vốn này như: hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, vận tải... Đến nay hầu như không còn doanh nghiệp nhà nước làm vận tải trừ đường sắt. Tiến tới sẽ cổ phần hóa cả vận tải đường sắt, chỉ để lại phần hạ tầng. Những Tổng công ty như SBIC, Vinalines… cũng sẽ được cổ phần hóa.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh, việc thực hiện các dự án có một số khó khăn, cần đảm bảo sự hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, sự đồng thuận của nhân dân (3 lợi ích gắn với nhau).
Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tiếp thu các chính sách đầu tư, tín dụng, phí, cùng các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, nhưng đảm bảo quyền lợi ích cho người dân. Đặc biệt các ý kiến tham luận của các cơ quan nước ngoài trong cuộc hội thảo hôm nay sẽ xem xét, nghiên cứu để áp dụng vào thực tế VN.
“Tôi cũng tiếp thu kiến nghị cho rằng chính sách nên ổn định và lâu dài, các quy định về tín dụng, phí chúng tôi sẽ tiếp thu, cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và bảo đảm sự hài lòng cho người dân”, Bộ trưởng nói.
“Các cơ quan của Bộ phải nghiên cứu làm sao quản lý phí chặt chẽ, đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án PPP, công khai minh bạch các dự án để người dân theo dõi, giám sát. Bộ GTVT cũng đang chỉ đạo để xây dựng các Đề án ở từng lĩnh vực, loại hình giao thông vận tải thu hút, kêu gọi đầu tư phù hợp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông. Các dự án sẽ được đầu tư bằng nhiều ngồn vốn cả trong và ngoài nước, có tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, để chính sách thực sự là động lực đòn bẩy kêu gọi nhà đầu tư đầu tư mạnh vào các lĩnh vực giao thông vận tải, để sớm hện đại hóa hạ tầng giao thông nói riêng và góp phần đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 ” - Bộ trưởng nhấn mạnh.