Chặn tận gốc xe quá tải

Thứ ba, 23/12/2014 17:50
Chặn từ "gốc" và đốn tận "ngọn", cách làm quyết liệt, hiệu quả trong kiểm soát trọng tải của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ đã khiến lượng xe vi phạm chở quá tải thời gian qua giảm cơ bản, đặc biệt là xe chở hàng đường dài. Nếu như trước đây, tình trạng xe quá tải đi công khai, phổ biến, thách thức dư luận thì nay, nhiều lái xe, chủ xe, chủ hàng, doanh nghiệp vận tải đã có ý thức chấp hành tốt hơn; chỉ còn một số lái xe, chủ xe, chủ hàng vẫn chạy quá tải nhưng lén lút, hoạt động vào ban đêm, trốn, né trạm cân.
Đồng bộ từ "gốc" đến "ngọn"
 
Để hoạt động kinh doanh vận tải đi vào quy củ, ngay từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hai Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 10/01/2013 và số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 về chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá trọng tải và tăng cường kiểm soát trọng tải xe trên đường bộ. Nội dung của các Công điện này đã được liên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - Công an cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA về phối hợp thực hiện việc tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ, thực hiện từ tháng 12/2013. Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát trọng tải phương tiện cũng đã được Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia lựa chọn là chủ đề chính của Năm An toàn giao thông 2014. Hàng loạt văn bản chỉ đạo điều hành, hàng loạt giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ trọng tải xe đã được Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công an và các địa phương đưa ra.

Xử lý hạ tải một trường hợp vi phạm chở hàng quá tải, quá khổ. Ảnh: Đoàn Hữu Trung – TTXVN

Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là việc triển khai kiểm tra trọng tải xe đồng loạt trên toàn quốc từ ngày 1/4 vừa qua đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe. Tình trạng xe ô tô chở hàng quá trọng tải có chuyển biến tích cực, nhất là tại các địa phương, các đoạn, tuyến đường tổ chức kiểm tra trọng tải liên tục 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần.
 
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, với việc tổ chức kiểm soát trọng tải xe 24/24 giờ các ngày trong tuần, từ ngày 16/12/2013 đến ngày 31/7/2014, các điểm kiểm tra lưu động đã dừng, kiểm tra trên 192.700 xe ô tô, phát hiện và lập biên bản trên 38.800 trường hợp vi phạm (vi phạm quá tải: 36.965 trường hợp, vi phạm kích thước thùng xe: 1.889 trường hợp); xử phạt hành chính nộp Kho bạc Nhà nước 125 tỷ đồng, tạm giữ 849 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23.183 trường hợp, đã xử lý hạ tải đối với 11.453 phương tiện vi phạm với 65.300 tấn hàng…
 
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng, không chỉ kiểm soát phần “ngọn” - khi xe đã lưu thông trên đường, các ngành, các địa phương đã chú trọng đến việc chặn từ “gốc” bằng việc tổ chức cho doanh nghiệp, lái xe, chủ xe, chủ hàng ký cam kết không chở hàng quá trọng tải; kiểm tra, xử lý vi phạm về kích thước thùng xe, siết chặt công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện. Những phương tiện tự cải tạo đều không được đăng kiểm và không được lưu hành. 
 
Việc kiểm soát từ "gốc", từ kho hàng, mỏ vật liệu, bến cảng để không xếp hàng quá tải theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã được các địa phương triển khai nghiêm túc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, tính đến ngày 24/9/2014, đã có 181/211 doanh nghiệp khai thác cảng biển ký cam kết không xếp hàng hóa vượt quá trọng tải cho phép. Công an và Sở GTVT các địa phương cũng đã phối hợp tổ chức ký cam kết cho các doanh nghiệp trên địa bàn không vi phạm chở hàng quá trọng tải và hướng dẫn thực hiện việc xếp hàng hóa lên xe ô tô theo quy định…
 
Năm 2015 tiếp tục kiểm soát chặt
 
Mặc dù có sự vào cuộc của các ngành, các cấp, song, nhìn lại một năm thực hiện kiểm soát trọng tải phương tiện, những tồn tại vẫn không phải là ít. Đầu tiên phải kể đến là ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, các quy định về vận tải hàng hóa bằng xe ô tô của một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe còn kém, chạy theo lợi nhuận. Thậm chí có doanh nghiệp, chủ hàng, chủ xe còn khoán khối lượng vận chuyển cho lái xe dẫn đến vi phạm; tự ý cải tạo, cơi nới thùng xe để chở hàng quá tải... Tình trạng xe ô tô tải dừng, đỗ ở hai đầu điểm kiểm tra trọng tải lưu động, đợi khi lực lượng liên ngành đang tập trung xử lý vi phạm đối với xe khác hoặc đợi thời điểm giao ca… rồi ồ ạt chạy qua; không chấp hành việc dừng xe kiểm soát, không công nhận kết quả cân, không ký biên bản, cho xe chạy nhanh làm hư hỏng cân; chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ còn xảy ra nhiều.
 
Ông Khuất Việt Hùng cho biết, kiểm soát kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng xe vẫn là giải pháp trọng tâm mà cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc trong năm tới. Đây cũng tiếp tục là chủ đề của Năm An toàn giao thông 2015. Chủ phương tiện sẽ là đối tượng để thực hiện kiểm tra kiểm soát, xử lý. Để phát hiện vi phạm, bên cạnh việc kiểm tra trực tiếp, lực lượng chức năng sẽ phát huy tối đa hiệu quả dữ liệu của trung tâm giám sát hành trình tại Tổng cục đường bộ để giám sát những hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt là vi phạm về tốc độ và hành trình.
 
Nếu làm tốt các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện ngoài kiểm soát bằng hệ thống cân, làm từ “gốc”, áp lực lên vai người lái xe và lực lượng thực thi công vụ trong công tác tuần tra kiểm soát sẽ giảm đi rất nhiều và nếu tiến hành nhịp nhàng các giải pháp thì vấn đề liên quan đến xe chở quá tải sẽ giải quyết được trong thời gian tới, ông Khuất Việt Hùng khẳng định.

Nguồn: baotintuc.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:84832
Lượt truy cập: 176.568.819