Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới. Năm 2014 Bộ Giao thông vận tải có Công văn số 3780/BGTVT-CYT ngày 7/04/2014 triển khai Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thời gian qua công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong toàn Ngành quan tâm, nhận thức về an toàn thực phẩm đã có chuyển biến rõ rệt. Ngộ độc thực phẩm được kiểm soát, không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra trong Ngành Giao thông vận tải, góp phần tích cực trong việc bảo vệ sức khỏe cán bộ công nhân viên chức trong ngành và phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đang gặp nhiều thách thức như: Ô nhiễm thực phẩm, tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản thực phẩm vẫn còn tồn tại; thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường; ngộ độc thực phẩm tại khu công nghiệp, khu chế xuất, tại các bữa ăn đông người và do độc tố tự nhiên vẫn diễn biến phức tạp; gian dối trong quảng cáo thực phẩm, nhất là thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng đang gây bức xúc dư luận xã hội. Nguyên nhân chính là do việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chưa có hiệu quả, chưa kiểm soát được sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công; việc chấp hành các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa nghiêm.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vi trực thuộc khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung sau: Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để quản lý hiệu quả đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ cho cán bộ công nhân viên chức, người lao động ngành giao thông vận tải, hành khách tham gia trên các phương tiện giao thông đường sắt, hàng không, đường thủy, đường bộ.
Công tác giáo dục, tuyên truyền về An toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm: Tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về vệ sinh an toàn thực phẩm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT, cho người tham gia giao thông tại các bến tàu, bến xe, cảng hàng không. Hướng dẫn nêu cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn trong chế biến, vận chuyển, bảo quản thực phẩm nhằm phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, giảm thiểu tối đa số vụ ngộ độc thực phẩm. Nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, người sản xuất kinh doanh thực phẩm trong công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đặc biệt là các cơ sở chế biến xuất ăn sẵn phục vụ cho hành khách tham gia giao thông trên các phương tiện đường sắt, đường hàng không. Các bếp ăn tập thể và các cơ sở sản xuất suất ăn chế biến sẵn được hướng dẫn xây dựng cam kết “bếp ăn tập thể - bếp ăn an toàn - suất ăn vệ sinh” theo đúng quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, được cung cấp kiến thức khoa học trong việc sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn.
Công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm: Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát các đơn vị trong ngành Giao thông vận tải về việc thực hiện các văn bản pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; Đánh giá thực trạng công tác quản lý Nhà nước về An toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong hình hình mới; Phối hợp chặt chẽ với Chi cục An toàn thực phẩm các địa phương trong công tác theo dõi diễn biến tình hình an toàn thực phẩm, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm có hiệu quả và đồng bộ tại đơn vị.
Toàn văn Chỉ thị xem tại đây
KC