Bộ trưởng Đinh La Thăng và Trưởng Ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ
ký Quy chế phối hợp công tác giữa Bộ GTVT và Ban Kinh tế Trung ương
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch 2011 - 2015, Bộ GTVT còn nhiều việc phải làm, đặc biệt trong việc thực hiện đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng Khóa XI.
Để làm điều đó, Bộ trưởng cho biết cần thể chế chính sách mang tính đột phá để huy động các nguồn lực. Đối với việc nghiên cứu chiến lược huy động, phân bổ, sử dụng vốn ODA, việc huy động vốn ODA giá rẻ đang bị ràng buộc rất nhiều (đấu thầu, điều kiện của người cho vay, thiết kế, thi công, giám sát…).
Bộ trưởng khẳng định sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp công tác; đồng thời hàng năm có kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo nội dung đã thống nhất giữa hai bên.
Bộ GTVT và Ban Kinh tế Trung ương ký Quy chế phối hợp công tác
Tại Lễ ký kết, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ khẳng định, GTVT là lĩnh vực hết sức quan trọng, kết cấu hạ tầng giao thông là kết cấu quan trọng bậc nhất trong các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đột phá trong kết cấu hạ tầng giao thông là đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho biết, trong năm 2015, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nghiên cứu chiến lược thể chế huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chiến lược huy động, phân bổ và quản lý sử dụng ODA và các nguồn viện trợ khác; chiến lược tiếp cận thị trường vốn ngoài nước.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan, đôn đốc, theo dõi, đánh giá về công tác phối hợp, cũng như phối hợp với Bộ GTVT chuẩn bị báo cáo và tổ chức họp hàng năm để đánh giá kết quả việc thực hiện Quy chế và thống nhất nội dung chương trình phối hợp công tác năm kế tiếp.
Việc hai bên ký Quy chế phối hợp sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả trong
công tác nghiên cứu, tham mưu, thẩm định các đề án về kinh tế - xã hội,
các dự án lớn thuộc ngành GTVT trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo Quy chế phối hợp, Bộ GTVT và Ban Kinh tế Trung ương sẽ phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các cơ chế, chính sách trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, các chủ trương, chính sách lớn về phát triển ngành GTVT, về kinh tế giao thông, về tái cơ cấu ngành GTVT, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm ATGT; thị trường dịch vụ vận tải; phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng XHCN. Các chủ trương, chính sách phát triển, các quy phạm pháp luật ngành GTVT; các chính sách của Nhà nước về huy động, phân bổ và hiệu quả sử dụng các nguồn lực ngành GTVT.
Hai bên phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành GTVT, các ngành đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa; quản lý và phát triển thị trường dịch vụ vận tải, dịch vụ logistic; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Thẩm định các đề án phát triển KT-XH, các dự án lớn thuộc ngành GTVT trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, về phát triển cơ sở hạ tầng, về ATGT; sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển KT-XH, về các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ GTVT.
Hai bên cũng thường xuyên trao đổi thông tin và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phát triển KT-XH, xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo ATGT có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên; trao đổi thông tin về hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT quản lý; phối hợp trong công tác nghiên cứu, lý luận về phát triển KT-XH.
Xuân Nguyên