Cùng dự họp có Thứ trưởng Nguyễn Văn Công; lãnh đạo các Vụ:Kế hoạch Đầu tư, Kết cấu hạ tầng giao thông, Quản lý doanh nghiệp, Tài chính, Hợp tác quốc tế, Pháp chế, Vận tải, Khoa học Công nghệ, Tổ chức cán bộ;Ban PPP; Văn phòng Bộ; các Cục: Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Hàng hải Việt Nam;các Tổng công ty: Hàng hải Việt Nam, Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Bắc, miền Nam.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá việc XHH đầu tư lĩnh vực hàng hải đã làm rất tốt,
tỷ trọng đầu tư từ tư nhân lớn
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định: Trong thời gian tới, nguồn vốn cho đầu tư phát triển nói chung và cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là rất khó khăn; trong khi đó, nhu cầu , yêu cầu đòi hỏi đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng nhằm sớm đưa đất nước thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và nhu cầu đầu tư trong các lĩnh vực giao thông là rất lớn. Do vậy phải huy động nguồn vốn khác nhau bao gồm cả ODA, trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn vốn xã hội hóa.
“Để huy động được các nguồn vốn trên đòi hỏi chúng ta phải xây dựng được thể chế chính sách huy động vốn cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng vốn để việc đầu tư được hiệu quả, thực sự tiết kiệm, chống được thất thoát, lãng phí, tham nhũng” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Nhằm triển khai nội dung Quyết định số 4938/QĐ-BGTVT ngày 26/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc phê duyệt Đề án huy động vốn xã hội hóa (XHH) để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực hàng hải, tại cuộc họp, đại diện Cục Hàng hải VN đã báo cáo đề xuất kế hoạch triển khai thực hiện đề án. Theo đó, từ năm 2015-2020 huy động ngoài ngân sách đạt khoảng 43 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư (tương ứng khoảng 41 dự án). Cụ thể có 10 dự án luồng tuyến vận tải hàng hải; 19 dự án cảng biển, bến cảng; 3 dự án hệ thống hàng hải điện tử; 9 công trình neo đậu, tránh trú bão. Có 7 dự án thuộc đề án đã thực hiện XHH; 3 dự án dự kiến triển khai XHH trong giai đoạn 2015-2016 (Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 theo hình thức đối tác công-tư; Dự án ĐTXD tuyến luồng Thọ Quang cho tàu đến 10.000 DWT; Dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp tuyến luồng Nghi Sơn cho tàu đến 50.000 DWT đầy tải theo hình thức đối tác công-tư). Dự kiến việc công bố danh mục dự án để kêu gọi đầu tư trong tháng 1/2015.
Đối với việc rà soát, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư (NĐT) trong quá trình tham gia đầu tư các dự án lĩnh vực hàng hải, dự kiến trong quý 2/2015 sẽ hoàn thành xây dựng, sửa đổi các Thông tư, Quyết định liên quan mức phí bảo đảm hàng hải đối với luồng hàng hải do doanh nghiệp đầu tư, khai thác; trình tự nạo vét tận thu; phí, lệ phí hàng hải; trình tự triển khai dự án PPP lĩnh vực hàng hải; ưu đãi trong lĩnh vực hàng hải. Ngoài ra hoàn thiện Đề án kết nối các cảng trên toàn quốc với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
Thành viên dự họp tập trung báo cáo, thảo luận làm rõ hơn nội dung kế hoạch, lộ trình thực hiện;
trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc XHH đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải
đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình triển khai Đề án này
Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh Cục Hàng hải VN phối hợp với các Vụ, Cục, đơn vị liên quan dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã xây dựng Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng lĩnh vực hàng hải. Bộ trưởng nhấn mạnh Đề án XHH đầu tư phát triển KCHT hàng hải chính là việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thể hiện vai trò " đi trước mở đường" của Ngành GTVT, thực hiện Chiến lược Biển quốc gia. Bộ trưởng đánh giá, thực tế việc XHH đầu tư lĩnh vực hàng hải thời gian qua đã làm rất tốt, tỷ trọng đầu tư từ tư nhân đạt 75-80% là rất lớn, tuy nhiên vai trò quản lý nhà nước chưa rõ. Từ kết quả đạt được, phải phân tích nguyên nhân, những gì còn tồn tại bất cập và có giải pháp khắc phục. Làm sao để chúng ta phải giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển, phải phát huy được lợi thế của một quốc gia có bờ biển dài, điều không phải nước nào cũng có - Bộ trưởng nói. Chúng ta phát triển kinh tế biển vừa giàu lên vừa đảm bảo được an ninh quốc phòng, phát triển xã hội.
Để triển khai kế hoạch cụ thể và đẩy nhanh quá trình XHH đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải, Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Văn Công tiếp tục chỉ đạo triển khai ngay việc nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải đã có, trong đó có việc khai thác tốt các cảng biển, trước hết là nhóm cảng biển số 5 mà trọng tâm là cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Hải Phòng. Cách tốt nhất để nâng cao chất lượng khai thác cơ sở hạ tầng đã có, quan trọng nhất là tiếp tục quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia; tập trung đầu tư phương tiện bốc xếp; nâng cao chất lượng dịch vụ logistics; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kỹ sư, người lao động để nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Bộ trưởng yêu cầu tổ chức cho toàn bộ lãnh đạo các cảng về học tập mô hình quản lý của Tân Cảng, là nơi có dịch vụ rất tốt. Các dự án nạo vét cần xã hội hóa và có đơn vị đứng ra làm đầu mối. Công khai, minh bạch các dự án kêu gọi đầu tư và trình tự thủ tục đầu tư; rà soát lại trình tự các dự án ưu tiên đầu tư; rà soát lại và hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan để thúc đẩy XHH đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải trên tinh thần xã hội hóa toàn bộ những dự án tư nhân có thể làm được. Bộ trưởng nhấn mạnh Bộ GTVT " nói không với đầu tư cảng bằng ngân sách" và trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng hải khẩn trương làm văn bản báo cáo Chính phủ về mô hình chính quyền cảng; tiếp tục đẩy mạnh kết nối vận tải trong cộng đồng Asean. Đối với một số dự án đang triển khai, Bộ trưởng đề nghị đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng, đặc biệt chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu Ban PPP xem xét nghiên cứu đầu tư các đường kết nối ra vào cảng hiện đang tắc bằng hình thức BOT, phải kết nối các cảng trong nhóm cảng biển số 5, kết nối giữa các cảng với nhau. Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông có trách nhiệm rà soát việc nạo vét tuyến luồng hàng hải. Vụ Quản lý doanh nghiệp tập trung đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lĩnh vực hàng hải, thoái vốn tất cả các cảng biển có đủ điều kiện thoái vốn.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng có chỉ đạo cụ thể đối với các vấn đề liên quan đến phí và giá trong lĩnh vực hàng hải; chủ động làm việc với nhà đầu tư để kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải; khẩn trương hoàn thành Dự án Kênh Chợ Gạo và Kênh Quan Chánh Bố đồng thời chọn nhà đầu tư để đầu tư giai đoạn 2; rà soát và công bố sớm các dự án nạo vét luồng hàng hải; đôn đốc, chuẩn bị triển khai di dời các cảng trong đó có Cảng Sài Gòn...
Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chủ trì hàng tháng kiểm điểm việc XHH đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải để có điều chỉnh. Toàn bộ hệ thống thể chế, chính sách liên quan lĩnh vực hàng hải phải hoàn thành rà soát trong quý 1 năm 2015 để sớm được phê duyệt, ban hành, với " tuổi thọ" của chính sách phải lâu dài, ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào đầu tư KCHT hàng hải.
VH