Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc xây dựng Đề án tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư cho lĩnh vực đường bộ là thực sự cần thiết nhằm huy động nguồn lực của các khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Hiện nay, Bộ GTVT đang quản lý 67 dự án BOT, BT, PPP lĩnh vực đường bộ
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, với sự quyết tâm và nỗ lực và nỗ lực mạnh mẽ của toàn thể ngành từ lãnh đạo Bộ GTVT đến các vụ, cục, tổng cục, các doanh nghiệp..., trong thời gian vừa qua, kết quả xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) đường bộ là hết sức khả quan.
Cụ thể, hiện nay Bộ GTVT đang quản lý 67 dự án BOT, BT, PPP lĩnh vực đường bộ với tổng mức đầu tư (TMĐT) khoảng 182.877 tỷ đồng gồm 18 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác với TMĐT là 18.086 tỷ đồng; 44 dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư với TMĐT là 159.791 tỷ đồng (chưa bao gồm các dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC đang triển khai).
Năm 2015, dự kiến kêu gọi 15 dự án, TMĐT theo hình thức BOT khoảng 56.350 tỷ đồng. Bộ GTVT cũng đang giao cho VEC nghiên cứu bán các dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư đã hoàn thành để có nguồn kinh phí tái đầu tư các tuyến cao tốc khác. Trong lĩnh vực giao thông nông thôn, hiện nay Đề án cầu dân sinh cũng đang huy động vốn từ các nhà hảo tâm, kết quả bước đầu cũng hết sức khả quan - ông Nguyễn Văn Huyện cho biết.
Gần 2.000 km đường được đầu tư theo hình thức BOT đã đưa vào khai thác và đang xây dựng
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, việc huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước rất hạn chế nên việc đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư cho lĩnh vực đường bộ là thực sự cần thiết. Bởi hiện nay, việc đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng BOT được Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đồng tình, do đó cần huy động tối đa, có hiệu quả để cùng nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng đường bộ, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nêu lên thực trạng xã hội hóa trong lĩnh vực đường bộ, trong đó có một số khó khăn về lưu lượng, giá thu phí, chưa thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước; do đó, Thứ trưởng đề nghị thời gian tới phải hoàn thiện thể chế chính sách, cơ chế tài chính, đưa ra lộ trình hợp lý, thời gian hoàn vốn và việc chuyển nhượng nhà đầu tư.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển KCHTGT là đương nhiên, bởi hiện nay chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển từ kiềm chế sang kiểm soát lạm phát. Hiện nguồn vốn dành đầu tư phát triển KCHTGT rất lớn, trong khí đó khả năng cung ứng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước có hạn, đặc biệt lớn khi thực hiện đột phá về KCHTGT; do đó phải đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển KCHTGT.
Bộ trưởng cho biết, thời gian qua đã thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển KCHTGT đường bộ bằng các dự án BOT, tuy nhiên việc xây dựng Đề án tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư cho lĩnh vực đường bộ để hệ thống lại thành đề án, căn cứ tổ chức triển khai thực hiện khoa học hơn. Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để sớm hoàn chỉnh Đề án; trong đó bổ sung hệ thống giao thông tĩnh, cập nhật đầy đủ số liệu, hoàn thiện thể chế chính sách, cơ chế tài chính, thu hút nguồn lực đầu tư…
Về các dự án BOT lĩnh vực đường bộ đang chuẩn bị đầu tư, Bộ trưởng yêu cầu Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư khẩn trương rà soát lại năng lực nhà đầu tư, giải quyết dứt điểm các nhà đầu tư yếu kém về năng lực tài chính và năng lực thi công; thay thế bằng các nhà đầu tư có đầy đủ năng lực để triển khai, thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng.
Xuân Nguyên