Bộ trưởng kiểm tra Dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên
Trả lời phóng viên ngay tại công trường đường Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Đinh La Thăng rất vui vì tiến độ thi công đang vượt kế hoạch đề ra. Ông nói: "Tôi đánh giá cao nỗ lực của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương các cấp đã phối hợp giúp dự án vượt sớm về đích".
Bộ trưởng rất quan tâm tới Dự án này và thường xuyên vào tận công trường để kiểm tra, ông có thể cho biết lý do?
Trước hết phải nói rằng đường Hồ Chí Minh là tuyến đường huyết mạch, có vai trò rất quan trọng giúp cho Tây Nguyên phát triển về mọi mặt đồng thời đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.
Dự án được triển khai từ trước năm 2011, đến đầu năm 2011 thì dừng lại bởi thực hiện Nghị quyết 11 giảm đầu tư công, giảm llạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trước vấn đề này, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội cho phép phát hành một số gói TPCP kết hợp với các dự án BOT đẩy nhanh tiến độ của dự án. Phục vụ nhu cầu đi lại của người dân qua Tây Nguyên.
Năm 2013, được sự đồng ý của Chính phủ, Quốc hội, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các Ban QLDA, Tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đẩy nhanh tiến độ.
Nhiều dự án mở rộng đường HCM qua các tỉnh Tây Nguyên đã sắp cán đích
Tuy nhiên, năm ngoái vẫn còn nhiều đơn vị chậm tiến độ. Có nhiều nguyên nhân như GPMB nhưng phải nói chủ yếu là do năng lực nhà đầu tư BOT. Vì vậy, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo, đặc biệt là việc thay thế những nhà nhà đầu tư, nhà thầu yếu kém. Chấn chỉnh những nhà thầu vi phạm ảnh hưởng đến tiến độ, đồng thời có hình thức kiểm soát, thúc đẩy nhà đầu tư thi công. Năm nay, đã có chuyển biến, nhiều gói thầu đã thảm xong bê tông nhựa cả hai lớp, hoàn thành được đường qua đô thị các tỉnh Tây Nguyên, rồi Kon Tum - Pleiku...
Thưa Bộ trưởng, người dân Tây Nguyên mong mỏi tuyến đường hoàn thành từng ngày, ông muốn gửi thông điệp gì tới họ?
Quan điểm của Bộ GTVT là phải đẩy nhanh tiến độ, đường thông sớm chừng nào, tốt chừng ấy để phục vụ bà con. Tuy nhiên, nhanh nhưng đồng thời kiểm soát, giám sát chặt chẽ chất lượng. Tuyệt đối không để chất lượng kém. Đương nhiên cần phải giám sát việc thi công ngay từ đầu. Đơn vị nào làm sai, hoặc nghi ngờ kém chất lượng thì buộc phải đào lên làm lại.
Quá trình thi công không tránh khỏi những ảnh hưởng đến môi trường và gây khó khăn cho người qua lại. Khí hậu ở Tây Nguyên lại rất đặc trưng, khi mưa lầy lội khi nắng thì bụi nhiều, nên dù giám sát thi công chặt chẽ cũng khó có thể làm hài lòng người dân được. Tôi mong muốn được người dân ủng hộ, thông cảm, chia sẻ với ngành giao thông để có thể hoàn thành sớm những dự án lớn của đất nước.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Đường Hồ Chí Minh thi công từ đoạn Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài 553km được đầu tư trong giai đoạn 2 đến nay đã thảm BTN được 473/553km. Trong đó có 256km đã hoàn thành thảm bê tông nhựa (BTN) cả hai lớp. Đã hoàn thành khoảng 133km các đoạn qua đô thị của các tỉnh Tây Nguyên và đoạn từ Kon Tum – Pleiku. Dự kiến đến tháng 5/2015 hoàn thành hạng mục thảm bê tông nhựa, và đến tháng 10/2015 sẽ kết thúc dự án toàn tuyến.