Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, đại diện các Vụ, Cục trực thuộc Bộ GTVT, Liên ngành 3 Cục: Đăng kiểm Việt Nam, Cục ĐTNĐ Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông…
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải đã trình bày báo cáo Tổng kết công tác phối hợp liên ngành bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa năm 2014. Theo đó, năm qua, công tác phối hợp giữa lực lượng ĐKVN, ĐTNĐVN và Cảnh sát đường thủy đã được tổ chức triển khai nhiều nội dung từ cấp Cục đến các đơn vị cơ sở đạt kết quả cao, với tinh thần “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”.
Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải đã trình bày báo cáo Tổng kết
Cùng với việc thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của 3 Cục liên ngành một số địa phương còn chủ động phối hợp tham mưu UBND cấp tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATGT, giải quyết những nổi cộm về TTATGT đường thủy nội địa tại địa phương. Hoạt động phối hợp liên ngành trong năm 2014 đã góp phần tích cực trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ. Kết quả trên đã được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, góp phần không nhỏ trong bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, giảm tai nạn giao thông.
Cục ĐTNĐVN đã triển khai công tác liên ngành 06 đợt kiểm tra: Miền Bắc 03 đợt, miền Trung 02 đợt và miền Nam 01 đợt. Trong quá trình kiểm tra, Đoàn lập biên bản đối với 39 tổ chức, cá nhân có liên quan đến kinh doanh hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa. Đồng thời, Cục ĐTNĐ VN chỉ đạo các đơn vị cơ sở thường xuyên tổ chức kiểm tra các điểm đen về ATGT đường thủy nội địa, luồng tuyến, công trình trên sông, công trình vượt sông, các điểm khai thác cát sỏi…
Các đơn vị liên ngành cơ sở đã tuyên truyền các VBQPPL nhằm nâng cao ý thức chấp hành của chủ phương tiện, người tham gia giao thông, kiểm tra xử lý những nổi cộm về giao thông ĐTNĐ. Các đơn vị phối hợp thực hiện đúng các quy trình nghiệp vụ, không gây phiền hà sách nhiễu, không có trường hợp nào bị tố cáo, khiếu kiện, khiếu nại.
Các đơn vị đã phối hợp xây dựng 131 bài viết, phóng sự đăng tải trên báo, 33 bài trên đài phát thanh truyền hình địa phương, tổ chức in ấn và cấp phát 456 bộ tài liệu và hơn 104130 tờ báo rơi tuyên truyền các quy định pháp luật về ATGT ĐTNĐ và về đảm bảo ATGT cho chủ cảng, chủ bến bãi, người điều khiển phương tiện thủy nội địa. Cung cấp gần 5000 dụng cụ nổi cứu sinh cầm tay và hướng dẫn sử dụng cho các Ban ATGT một số tỉnh miền Bắc để tuyên truyền cho các chủ đò, người đi đò… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy của người tham gia giao thông. Cục ĐTNĐ và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức 5.865 lượt chủ cảng, bến, thuyền viên ký cam kết đảm bảo ATGT, phát 60.533 tờ rơi, tổ chức ra quân tháng ATGT …
Các đơn vị cũng đã phối hợp kiểm tra 68 cảng thủy nội địa, 113 bến thủy nội địa, 211 bến khách ngang sông, hing trăm phương tiện ở các bến. Kiểm tra 20 cơ sở đóng mới, phát hiện 16 cơ sở có vi phạm. Công tác phối hợp đã kiểm tra 12.882 trường hợp, lập biên bản VPHC 1.644 trường hợp vi phạm TTATGT đường thủy, ra QĐXPVPHC 1.386 trường hợp; đình chỉ hoạt động 99 trường hợp không đảm bảo điều kiện an toàn hoạt động… Các địa phương tổ chức nhiều đợt kiểm tra liên ngành đạt kết quả cao như: Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Nghệ An, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hòa Bình, Ninh Bình, Quảng Bình, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang…
Đông đảo đại biểu tham dự Hội nghị
Một số tồn tại trong công tác phối hợp là việc tổ chức triển khai thực hiện phối hợp liên ngành cơ sở còn chưa đồng đều, chủ yếu ở các địa phương phía Nam. Sự phối hợp chỉ tập trung vào kiểm tra việc chấp hành quy định TTATGT mà chủ yếu là cảng, bến thủy nội địa, phối hợp trong tuyên truyền còn hạn chế, chưa có nhiều hình thức thiết thực…
Năm 2015, Liên ngành tập trung xây dựng các văn bản QPPL hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và xây dựng quy chế phối hợp giữa lực lượng Cảng sát đường thủy, Cục ĐTNĐ VN và Đăng kiểm Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông ĐTNĐ, các văn bản pháp luật có liên quan bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng. Kiểm tra các tuyến đường thủy nội địa, hoạt động vận tải thủy và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải thủy đối với các tuyến ĐTNĐ là biên giới quốc gia; phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT ĐTNĐ. Tăng cường khảo sát an toàn về phòng chống cháy trên phương tiện chở dầu, tàu lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi, tàu cao tốc…
Các đơn vị thường trực cần nêu cao vai trò trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch, tổng hợp kết quả hoạt động và báo cáo liên ngành cấp Cục kịp thời và đầy đủ, các cơ quan, đơn vị phấn đấu nỗ lực hơn nữa nhằm bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường thủy thời gian tới.
Cũng tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đại tá Dương Ngọc Tiến đã triển khai Kế hoạch phối hợp liên ngành bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa năm 2015.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã trao Kỷ niệm chương
Vì sự nghiệp phát triển GTVT Việt Nam cho 12 cá nhân
Trong khuôn khổ Hội nghị, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển GTVT Việt Nam cho 12 cá nhân thuộc Tổng cục 7, Bộ Công an đã có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành GTVT Việt Nam, được ghi tên vào bảng vàng truyền thống của ngành GTVT.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chúc mừng 12 đồng chí đã được trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển GTVT Việt Nam. Đồng thời, Thứ trưởng đánh giá cao những kết quả liên ngành đã đạt được trong năm 2014, có sự đồng bộ và hiệu quả trên từng lĩnh vực. Đường thủy nội địa cũng giống như các lĩnh vực vận tải khác, với chức năng nhiệm vụ được giao, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi ngành, đảm bảo TTATGT, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng đã đánh giá cao liên ngành trong thời gian qua đã chủ động phối hợp nâng cao hiệu quả trong quá trình triển khai, thể hiện cụ thể trong công tác quản lý của từng lĩnh vực: đăng ký, đăng kiểm phương tiện, quản lý bến, luồng, tuần tra kiểm soát… Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc chỉ đạo ngành dọc của các Cục tại các địa phương, hướng dẫn, phối hợp triển khai các chủ trương lớn tương đối tốt, rà soát bến, luồng tuyến, phân cấp hệ thống báo hiệu, cơ chế đầu tư cho đường thủy nội địa…
Năm 2015, Thứ trưởng yêu cầu liên ngành cần cố gắng phòng ngừa thiên tai bão lụt, cùng với các địa phương chỉ đạo sâu sát, mạnh mẽ, tăng cường quản lý phương tiện thủy. Kế hoạch năm 2015 cần cố gắng tập trung hoàn chỉnh hệ thống văn bản QPPL, đề nghị cụ thể hơn các nhiệm vụ cần làm trong công tác phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian tới.
Trong công tác tuyên truyền, Thứ trưởng đề nghị liên ngành nên nghiên cứu hình thức tuyên truyền thế nào cho hiệu quả. Đối với những lực lượng, phương tiện tham gia đường thủy nội địa, tuyên truyền trực tiếp như tập tuấn, trao đổi sẽ có hiệu quả hơn nhiều. Đồng thời, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các thuyền viên. Khi tổ chức triển khai tuyên truyền phải gắn bó chặt chẽ với chính quyền địa phương, tăng cường khâu quản lý nhà nước./.
KC