Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, trong tổng số 50 dự án nạo vét luồng đường thuỷ nội địa kết hợp tận thu sản phẩm đã chấp thuận, phê duyệt có 17 dự án giai đoạn năm 2011-2013 không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 37/2013/TT-BGTVT ngày 24/10/2013; 29 dự án đã được phê duyệt theo quy định Thông tư số 37/2013/TT-BGTVT; 3 dự án đã được chấp thuận chủ trương chưa có hồ sơ thiết kế, đề xuất; 1 dự án đã được chấp thuận chủ trương đang xem xét hồ sơ thiết kế, đề xuất.
Tính đến thời điểm 15/3/2015, trong tổng số 17 dự án không thuộc điều chỉnh của Thông tư số 37/2013/TT- BGTVT có 03 dự án đã hết hạn, 06 dự án đã triển khai thi công, 04 dự án đã hoàn thành thủ tục chuẩn bị thi công, 04 dự án chưa hoàn thành thủ tục đăng ký tận thu với địa phương. Đối với với 29 dự án được phê duyệt theo quy định Thông tư số 37/2013/TT- BGTVT, có 03 dự án đang thi công, 03 dự án đã hoàn thành thủ tục chuẩn bị thi công, 19 dự án đã quá thời hạn 3 tháng nhà đầu tư không thực hiện thi công, 01 dự án đã quá thời hạn 60 ngày nhà đầu tư không thực hiện thương thảo hợp đồng theo khoản b Điều 15. Tuy nhiên đối với 09 dự án đã được thi công thì có đến 04 dự án (02 dự án sông Đồng Nai; dự án cửa sông Nhật Lệ, dự án sông Cầu) phải tạm ngừng thi công vì địa phương và người dân chưa hiểu rõ về tính chất dự án.
Toàn cảnh cuộc họp
Báo cáo cũng nêu rõ, đa số các dự án xã hội hóa duy tu luồng đường thủy nội địa khi thực hiện thủ tục đăng ký với địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong khi nhà đầu tư đã phải bỏ kinh phí để khảo sát thiết kế lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Một số dự án được triển khai nhưng việc thông tin, tuyên truyền về tính chất của dự án đến người dân chưa rõ, làm người dân địa phương hiểu sai về mục đích của dự án gây khó khăn khi triển khai, thực hiện..
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, việc xã hội hóa công tác bảo trì (nạo vét luồng đảm bảo giao thông kết hợp tận thu sản phẩm) giúp duy trì tuổi thọ của kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực khai thác giao thông đường thủy, trong khi nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước còn hạn chế. Sản phẩm được tận thu phục vụ cho san lấp mặt bằng, xây dựng tại địa phương, các khu vực lân cận và xuất khẩu. Bên cạnh đó, các Nhà đầu tư hưởng ứng tham gia thực hiện xã hội hóa nạo vét duy tu đảm bảo giao thông bằng nguồn kinh phí tự có trong khi nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho công tác bảo trì giao thông đường thủy nội địa còn hạn chế. Các dự án triển khai theo chủ trương của cơ quan quản lý nhà nước đã hạn chế được hiện tượng khai thác cát trái phép của các đơn vị tư nhân, giảm hiện tượng sạt lở bờ sông khi dòng chảy tập chung vào luồng chạy tàu.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc xã hội hóa công tác nạo vét luồng đảm bảo giao thông kết hợp tận thu sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án như thời gian lấy ý kiến đối với các Sở, ban, ngành của địa phương kéo dài làm cho dự án chậm được triển khai, dẫn đến khi hoàn thiện các thủ tục để triển khai thì số liệu cao độ đáy luồng có sự thay đổi so với hồ sơ thiết kế đã được chấp thuận dẫn đến rủi do cho nhà đầu tư; Việc đăng ký tận thu sản phẩm nạo vét của nhiều địa phương còn kéo dài trong khi mùa cạn hàng năm chỉ khoảng 8 tháng mà việc thực hiện nạo vét các vị trí luồng khan cạn đảm bảo giao thông cần khẩn trương nhanh chóng. Thời gian được chấp thuận tận thu sản phẩm của địa phương ngắn (từ 3 tháng đến 6 tháng), số lượng phương tiện được thi công hạn chế nên các nhà đầu tư thực hiện dự án không đảm bảo tiến độ của dự án. Việc phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án còn kéo dài dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện dự án.
Công ty Hiệp Phước “nạo vét, duy tu luồng thủy nội địa sông Đồng Nai”.
Tại cuộc họp, hầu hết các nhà đầu tư đều nhất trí cho rằng Bộ GTVT và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã hết sức cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như cũng đã có những tác động nhất định với Bộ Tài nguyên môi trường, các địa phương để doanh nghiệp sớm hoàn thành hồ sơ của dự án. Tuy nhiên khó khăn chính là ở quá trình xin cấp phép tận thu sản phẩm từ quá trình nạo vét tại các địa phương như báo cáo của Cục đã trình bày. Các nhà đầu tư cũng kiến nghị Bộ và Cục có tác động hoặc kiến nghị Chính phủ ban hành văn bản pháp quy về vấn đề này để các địa phương thực hiện các thủ tục, đăng ký tận thu nhanh gọn giúp các nhà đầu tư có thể sớm triển khai thi công đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, hiệu quả khai thác vận tải thủy, phát triển kinh tế của khu vực.
Sau khi nghe ý kiến của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Vụ Pháp chế và các nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng thời gia qua mặc dù đã có Thông tư số 37/2013/TT-BGTVT nhưng việc khuyến khích các nhà đầu tư tham gia công tác xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia vẫn còn nhiều khó khăn. Đa số các nhà đầu tư đều có quyết tâm tham gia và thực hiện dự án đúng theo quy định của Thông tư 37/2013/TT-BGTVT nhưng việc đăng ký sản phẩm tận thu tại các địa phương cũng còn nhiều khó khăn và Cục ĐTNĐ Việt Nam còn yếu trong thực hiện các công việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án. Do đó, thời gia tới Bộ GTVT cần tham mưu với Chính phủ để Chính phủ có chỉ đạo thống nhất các Bộ, Ngành, địa phương trong thực hiện chủ trương này. Cục ĐTNĐ Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan, với nhà đầu tư và với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Đối với 50 dự án đã thống nhất chủ trương đầu tư, Thứ trưởng giao Cục ĐTNĐ Việt Nam rà soát kỹ, đánh giá tiến độ triển khai của từng dự án, cương quyết chấm dứt hợp đồng đối với các nhà đầu tư đã được phê duyệt, chấp nhận chủ trương một thời gian dài nhưng không có triển khai hoạt động gì. Cục cũng phải kịp thời nắm bắt các khó khăn vướng mắc ở từng dự án và kịp thời báo cáo Bộ để tìm hướng giải quyết.
Đối với các dự án đang triển khai và vướng mắc khi đăng ký sản phẩm tận thu, Cục ĐTNĐ và nhà đầu tư cần làm việc cụ thể với địa phương để tháo gỡ, giải quyết. Trước mắt có thể xem xét cho phép triển khai nạo vét luồng tuyến, đảm bảo giao thông thủy, phần sản phẩm nạo vét có thể tập kết tại bãi đã đăng ký, sau khi đăng ký với địa phương mới được phép tận thu. Song song với đó, Thứ trưởng yêu cầu Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi, Thông tư số 37/2013/TT-BGTVT theo hướng quy định rõ hơn thời hạn triển khai dự án sau khi ký hợp đồng và trách nhiệm của các bên liên quan khi ký hợp đồng thực hiện dự án. Ban PPP, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục ĐTNĐ nghiên cứu, xem xét tim ra các dự án có khả năng thực hiện theo hình thức BOT từ 50 dự án được chấp thuận chủ trương để chuyển đổi hình thức từ xã hội hóa sáng BOT tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị các nhà đầu tư ủng hộ Bộ trong thực hiện chủ trương xã hội hóa bảo trì luồng, tuyến đờng thủy nội địa thông qua việc triển khai các hợp đồng đã ký trên thực tế. Doanh nghiệp nào không có đủ khả năng thực hiện dự án cần sớm trả lại để Bộ giao cho các doanh nghiệp khác có đủ khả năng hơn. Thứ trưởng nhấn mạnh, doanh nghiệp nào bị cắt hợp đồng, thu dự án sau này sẽ không được phép thực hiện các dự án của Bộ GTVT.
AC