Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Kim Hồng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Thứ trưởng Nguyễn Văn Công; lãnh đạo các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan thuộc Bộ GTVT.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Ban Soạn thảo khẩn trương hoàn thiện
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam
Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ GTVT về việc tiếp thu, chỉnh sửa Dự thảo Luật trên cơ sở góp ý của các đại biểu tại cuộc họp thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vào ngày 5/3/2015, Tổ biên tập đã họp rà soát, chỉnh sửa lại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam (Dự thảo Luật). Theo đó, Tổ biên tập đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu tại cuộc họp thẩm tra, đã bổ sung vào Dự thảo Luật 18 điều mới, sửa đổi thêm 26 điều khoản của Bộ luật, nâng tổng số điều khoản sửa đổi, bổ sung đến thời điểm hiện tại là 102/261 điều, chiếm 39%.
Theo ông Nguyễn Kim Hồng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, qua đợt khảo sát pháp luật hàng hải, kiểm tra thực tế vừa qua của đoàn Ủy ban Pháp luật Quốc hội và Bộ GTVT tại một số địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…, có nhiều vấn đề đặt ra và cần bổ sung đưa vào Bộ luật sửa đổi lần này, trong đó ngoài ý kiến của UBPL của Quốc hội trong phiên thẩm tra, cần tiếp tục rà soát những vấn đề đã nêu trong Nghị đinh, Thông tư liên quan để đưa lên thành Luật; cần đưa vào những quy định về các vấn đề cấm và những quy định khác theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; quy định rõ vấn đề cảng, chính quyền cảng vì đây là vấn đề rất mới, giải thích rõ mối quan hệ giữa chính quyền cảng và chính quyền địa phương; rà soát lại, phân rõ nhiệm vụ, chức năng của các cơ quan có liên quan, vai trò của chính quyền địa phương.
Lãnh đạo các cơ quan liên quan báo cáo, giải trình, thống nhất nội dung Dự thảo Luật
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật lần này, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải thể hiện được tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và các Luật mới, mục tiêu sửa đổi phải theo yêu cầu của Hiến pháp thay đổi và cuộc sống đòi hỏi; thể hiện Chiến lược về biển; sự hội nhập quốc tế sâu rộng; việc bảo vệ chủ quyền biển; bao quát được tất cả những vấn đề còn tồn tại trong thực tế; chính sách phát triển dịch vụ logicstic; cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính; vấn đề chồng lấn giữa hàng hải và đường thủy nội địa; sự đột phá để khẳng định Việt Nam là quốc gia biển, phải giàu và mạnh lên từ biển; vấn đề vận tải, cơ chế phát triển đội tàu pha sông biển; kết nối hạ tầng hàng hải với các hạ tầng khác, đặc biệt kết nối giữa hàng hải với đường sắt, đường bộ, kết nối giữa các cảng biển; tổ chức quản lý khai thác cảng, loại cảng, luồng hàng hải; làm rõ quy hoạch cảng biển; tiếp cận với hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy ngành Hàng hải phát triển tương xứng với tiềm năng của nước ta.
Với tinh thần nêu trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chỉ đạo Ban Soạn thảo khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, trong đó phải tiếp thu triệt để, bổ sung tất cả những ý kiến của thành viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã nêu; giải trình sâu sắc, cụ thể những vấn đề đó để báo cáo Ủy ban Pháp luật Quốc hội thẩm định.
VH