Xây dựng Nghị định phải đảm bảo thống nhất trong hệ thống văn bản QPPL hiện hành, phù hợp với Hiến pháp và các Điều ước quốc tế

Thứ tư, 08/04/2015 17:53

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp chiều nay (8/4) với Cục Hàng không Việt Nam, đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng chính phủ, lãnh đạo các Vụ, Tổng công ty cùng các hãng hàng không về các dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đã trình bày báo cáo của Cục về công tác xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Theo đó, Cục đang quyết liệt cải cách thủ tục hành chính theo hướng loại bỏ những thủ tục mà Nhà nước thực hiện cơ chế hậu kiểm; giảm thiểu điều kiện, giấy tờ hồ sơ, thủ tục và thời hạn giải quyết. Cục sẽ bãi bỏ 36 TTHC, sửa đổi 109 TTHC và giữ nguyên 25 TTHC, góp phần giảm 1250 ngày giải quyết TTHC. Các TTHC được giữ nguyên là các TTHC mang tính đặc thù, kỹ thuật theo yêu cầu của ICAO và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc yêu cầu liên quan đến quân sự, quốc phòng, được quy định trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Cục trưởng Lại Xuân Thanh trình bày báo cáo tại cuộc họp

Thời gian qua, Cục HKVN cũng có nhiều hoạt động nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp như: Giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp qua kết quả CCTTHC và một số điều chỉnh trong việc thành lập doanh nghiệp vận chuyển hàng không; khu vực hàng không chung; thời gian hiệu lực của phép bay; sử dụng vùng trời…

Về nội dung sửa đổi chính của các Nghị định, Cục đã trình bày sơ lược nội dung của 05 dự thảo Nghị định gồm: Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng; Nghị định về đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay dân dụng (thay thế Nghị định 70/2007/NĐ-CP); Nghị định về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay (thay thế Nghị định số 83); Nghị định về an ninh hàng không dân dụng (thay thế Nghị định 81/2010/NĐ-CP); Nghị định về quản lý hoạt động bay (thay thế Nghị định 94/2007/NĐ-CP).

Tại cuộc họp, đại diện các Tổng công ty, các hãng hàng không, các đơn vị liên quan cơ bản nhất trí với các dự thảo Nghị định đồng thời đã trao đổi cởi mở, thẳng thắn về những nội dung còn chưa thống nhất trong dự thảo Nghị định như: Vấn đề quản lý bảo đảm an toàn bay, quản lý luồng, cấp phép bay đi đến… Qua đó, Bộ trưởng đã có những chỉ đạo cụ thể với từng vấn đề được đưa ra trao đổi, bàn bạc.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga cũng báo cáo và xin ý kiến Bộ trưởng về một số nội dung liên quan đến 02 dự thảo Thông tư gồm: Thông tư về bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không và Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ban hành Bộ Quy chế an toàn hàng không trong lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp

Sau khi nghe đại điện các hãng hàng không phát biểu ý kiến về các dự thảo Thông tư, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh Tổ Biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu đã chuẩn bị kỹ lưỡng các dự thảo Nghị định đảm bảo tiến độ và chất lượng để cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện Luật Hàng không dân dụng sửa đổi.

Bộ trưởng chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị phải đảm bảo khi sửa Nghị định phải tuân theo đúng Luật Hàng không dân dụng đã sửa đổi, thể hiện được tinh thần của Luật mới cũng như tinh thần Hiến pháp mới; thể hiện sự cải cách triệt để trong CCHC và CCTTHC; thực hiện được chủ trương, chính sách và yêu cầu nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ là ngành GTVT phải đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân; đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không; đảm bảo chủ quyền vùng trời của đất nước; tách bạch được quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp…

"Việc xây dựng các Nghị định phải đảm bảo thống nhất trong hệ thống văn bản QPPL hiện hành, phù hợp với Hiến pháp, thông lệ và các Điều ước quốc tế đã ký", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với các dự thảo  Thông tư, Nghị định, Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu tiếp tục chỉ đạo Vụ Pháp chế, Cục Hàng không Việt Nam tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, xây dựng các văn bản QPPL khắc phục được những tồn tại, bất cập cũ, đảm bảo chất lượng, đi vào cuộc sống một cách hiệu quả./.

KC

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:130275
Lượt truy cập: 176.422.667