Đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hoá tại các doanh nghiệp của SBIC

Thứ sáu, 10/04/2015 11:03

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp nghe báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ Quý I, triển khai nhiệm vụ Quý II/2015 và công tác tái cơ cấu doanh nghiệp và cổ phần hoá của Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC), sáng nay (10/4).

Vụ trưởng Vụ QLDN Vũ Anh Minh báo cáo công tác tái cơ cấu SBIC

Dự kiến Quý II/2015, SBIC sẽ bàn giao được 31/124 tàu

Báo cáo kết quả sản suất kinh doanh Quý I/2015, Tổng Giám đốc SBIC Vũ Anh Tuấn cho biết, 3 tháng đầu năm SBIC ước thực hiện bàn giao đạt 8/124 tàu, giá trị ước đạt 55 tỷ đồng, bằng 266% so với cùng kỳ năm 2014 và bằng 6,4 kế hoạch năm 2015.

Về giá trị sản xuất, Quý I, SBIC dự kiến đạt hơn 1,1 tỷ đồng, bằng 87% so với cùng kỳ năm 2014, bằng 16,25% kế hoạch năm 2015.

Tổng giám đốc SBIC cũng cho biết doanh thu và thu nhập khác toàn TCT ước đạt hơn 560 tỷ đồng, bằng 81% so với cùng kỳ, bằng 7,9% kế hoạch năm; thu nhập bình quân đạt 5,4triệu đồng/người/tháng.

“Năm 2015 nhìn chung tình hình sản xuất kinh doanh của TCT vẫn còn rất khó khăn, các đơn vị ngoài nhiệm vụ SXKD còn phải tập trung vào công tác tái cơ cấu, chuẩn bị các điều kiện cổ phần hoá. Tuy nhiên, TCT quyết tâm phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra”, ông Tuấn khẳng định.

Dự kiến Quý II/2015, SBIC sẽ bàn giao được 31/124 tàu, giá trị sản xuất dự kiến đạt gần 1.500 tỷ đồng và doanh thu dự kiến đạt hơn 1.600 tỷ đồng, bằng 49% so với  so với cùng kỳ năm 2014 và bằng 22,2% kế hoạch năm.

Về công tác tái cơ cấu lao động, đại diện lãnh đạo SBIC cho biết, tính đến hết quý I/2015, số lao động toàn TCT giảm là 36.783 người, số lao động hiện có là hơn 17 nghìn người.

Về tái cơ cấu tài chính, SBIC đã thực hiện xong tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài (khoản vay 135 triệu USD), nợ trong nước giai đoạn 1 (hơn 16 nghìn tỷ đồng cả gốc và lãi), và hiện nay đang tiếp tục tập trung cơ cấu các khoản nợ trong nước giai đoạn 2, nợ trái phiếu quốc tế…

Về công tác tái cơ cấu doanh nghiệp, TGĐ SBIC Vũ Anh Tuấn cũng khẳng định, trong năm 2015, SBIC có khả năng hoàn thành công tác tái cơ cấu 122/149 đơn vị cần tái cơ cấu, giảm đầu mối. Nếu có giải pháp và thực hiện tốt thì kết quả công tác tái cơ cấu doanh nghiệp sẽ đạt được kết quả tốt hơn nữa. Đối với 27 đơn vị còn lại, SBIC sẽ phân tích đánh giá và báo cáo cụ thể phương án tái cơ cấu từng đơn vị để Bộ GTVT xem xét.

Đẩy mạnh CPH nhưng phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Tại cuộc họp, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Đinh La Thăng, đại diện Văn phòng Chính phủ, các cơ quan tham mưu của Bộ cũng đã tham gia nhiều ý kiến đóng góp vào công tác tái cơ cấu tài chính, doanh nghiệp cũng như lao động và hướng phát triển sắp tới của SBIC.

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh và đánh giá cao sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo, CBCBV-LĐ SBIC để hoạt động SXKD có kết quả khả quan, lấy lại được niềm tin và khẳng định sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về tái cơ cấu Vinashin thành TCT CNTT hiện nay là đúng đắn.

“Mặc dù con đường phía trước còn nhiều khó khăn nhưng đã nhìn thấy tương lai của SBIC, có niềm tin hơn về con đường chúng ta đã đi và đã chọn. Điều đó, khẳng định sự nỗ lực lớn của CBCNV-LĐ của SBIC trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn từ nội lực và khách quan”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc tái cơ cấu toàn diện Vinashin trước kia là chủ trương đúng đắn

“Tuy nhiên, năm 2015, thị trường còn khó khăn không chỉ riêng với SBIC mà đối với các doanh nghiệp trong hàng hải, đóng tàu, giá cước đang xuống thấp dưới mức ở thời kỳ khủng hoảng. Do đó việc vừa phải đảm bảo cho SBIC hoạt động SXKD, vừa đảm bảo công tác tái cơ cấu toàn diện đơn vị này phải có cơ chế đặc biệt, giải pháp đặc biệt, cố gắng đặc biệt, nỗ lực đặc biệt từ bản thân CBCNV –LĐ TCT đến các cơ quan của Bộ, các bộ ngành khác”, Bộ trưởng nói tiếp.

Để làm tốt nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu  lãnh đạo TCT phải đoàn kết nhất trí, đổi mới tư duy, bỏ tư tưởng ỷ lại vào nhà nước. Xác định SBIC là đặc thù nhưng là để có giải pháp và cố gắng đặc thù chứ không phải để ỷ lại và làm việc theo tư duy cũ, theo cơ chế xin - cho. Các cơ quan tham mưu, bản thân lãnh đạo SBIC phải năng động, chủ động hơn, coi đây là trách nhiệm mới đạt hiệu quả cao; là sự nghiệp chung; mày mò để nhìn thấy con đường tới đích đúng hơn và sớm hơn.

Cụ thể, về tiếp tục thực hiện tái cơ cấu tài chính, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tiếp tục làm việc với DATC, Vinalines, SBIC, với các ngân hàng giải quyết trong tháng 4/2015; giao Thứ trưởng Nguyễn Văn Công tiếp tục xử lý tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu lao động, xử lý linh hoạt các kiến nghị của SBIC về các vấn đề liên quan; giao Vụ QLDN, Đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hoá tại các doanh nghiệp của SBIC, trong Quý II/2015 phải nộp đơn phá sản toàn bộ các doanh nghiệp thuộc đối tượng; hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp; hoàn chỉnh tái cơ cấu, cổ phần hóa Công ty Đóng tàu Hạ Long để làm tiền đề cho các các công ty trong diện giữ lại và cổ phần hoá.

Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý các cơ quan của Bộ và lãnh đạo SBIC phải  đẩy mạnh cổ phần hóa và tái cơ cấu toàn diện các doanh nghiệp của SBIC nhưng phải giải quyết mọi chế độ, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động một cách tốt nhất.

Bộ trưởng cũng giao Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật chủ trì, thành lập Ban chỉ đạo gồm các cơ quan liên quan của Bộ GTVT như vụ HTQT, Môi trường, QLDN, KHCN…để xây dựng và triển khai Đề án phá dỡ tàu cũ. Ban Chỉ đạo này sẽ có nhiệm vụ rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết, sau đó chọn thị trường làm thí điểm việc phá dỡ tàu cũ sau khi đã có các nghiên cứu cụ thể về công nghệ, vị trí để tiến hành phá dỡ, nhằm mang lại công ăn việc làm cho người lao động, tăng doanh thu cho doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo môi trường, cảnh quan.

H.L

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:66514
Lượt truy cập: 176.406.181