Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh tuyên truyền, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy

Thứ sáu, 10/04/2015 14:01

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 3 con sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Lô và Phó Đáy, với tổng chiều dài hơn 82 km. Toàn tỉnh có 12 bến phà, bến đò khách ngang sông, với gần 20 phương tiện chở khách và khoảng 600 phương tiện vận tải hàng hóa.

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh Vĩnh Phúc) đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, qua đó, góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy tỉnh cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Phòng Cảnh sát đường thủy tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nói chung và giao thông đường thủy nói riêng nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; xây dựng văn hóa giao thông. Nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ về đảm bảo TTATGT đường thủy; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiệm các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường thủy, qua đó, góp phần kìm chế, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, giảm tỷ lệ tội phạm và vi phạm pháp luật khác trên địa bàn quản lý.

Đến nay, 100% các chủ bến phà, bến khách ngang sông (kể cả các chủ bến đối lưu), các chủ phương tiện, thủy thủ, thuyền viên và người điều khiển phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đều ký cam kết không vi phạm pháp luật về TTATGT đường thủy. Hết quý I/2015, Phòng Cảnh sát đường thủy đã in ấn, cấp phát hơn 1.000 tờ rơi, pa nô, áp phích tuyên truyền về đảm bảo TTATGT; Luật Giao thông đường thuỷ và Nghị định số 93/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa trực tiếp cho người tham gia giao thông, người điều khiển các phương tiện thủy và chủ các bến phà, bến khách.

Nhiều chuyến đò ngang trên sông Lô người dân không chấp hành mặc áo phao

Thượng úy Phùng Đức Nhâm, Đội trưởng Đội Tuyên truyền hướng dẫn thực hiện pháp luật và xử lý tai nạn, Phòng Cảnh sát đường thủy cho biết: Để việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao, trên cơ sở sự chỉ đạo của lãnh đạo Phòng Cảnh sát đường thủy, Đội tập trung xây dựng nội dung tuyên truyền trực quan sinh động, dễ hiểu, dễ tiếp thu và phù hợp với từng đối tượng tham gia giao thông. Đồng thời, phân công các đồng chí phụ trách từng địa bàn, thường xuyên bám sát cơ sở để trực tiếp tuyên truyền, vận động và nắm bắt những điểm nóng mất an toàn giao thông để tham mưu với lãnh đạo Phòng Cảnh sát đường thủy, lãnh đạo Ban An toàn giao thông tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền và kịp thời có những biện pháp xử lý. Cùng với đó, Đội thường xuyên phối hợp với các địa phương ven sông, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy, gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; Cuộc vận động “Người đi phà, đi đò phải mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân”; Chương trình hành động “Vì trẻ em trên sông nước” và tích cực xây dựng các mô hình “Đoạn, tuyến, bến sông văn hóa, an toàn’’. Do vậy, nhiều năm trở lại đây, tình hình giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Công Vinh, chủ bến khách ngang sông xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường) cho biết: Qua các buổi tuyên truyền của cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát đường thủy, chúng tôi hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy. Thấy được các nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông trên sông nước, từ đó, chủ động trang bị áo phao, phương tiện nổi cá nhân và yêu cầu hành khách mặc khi lên đò. Đồng thời, thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì máy móc, trang bị và tập huấn nâng cao trình độ cho người lái đò và thuyền viên, Do vậy, từ năm 2003 đến nay, Bến luôn hoạt động ổn định, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Mùa mưa bão năm 2015 đang tới gần, theo dự báo của các cơ quan chức năng, nhiều khả năng tình hình thời tiết, thủy văn sẽ có diễn biến phức tạp hơn so với năm 2014. Trong đó, số cơn bão, áp thấp nhiệt đới nhiều hơn về số lượng, lũ xuất hiện nhiều hơn ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên. Do vậy, người tham gia giao thông, người điều khiển các phương tiện thủy và chủ các bến phà, bến khách trên địa bàn tỉnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn khi tham gia giao thông, đó cũng là bảo vệ tài sản tính mạng của chính mình.

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:
Lượt truy cập: