Hai bên trao đổi về kinh nghiệm tái chế tàu cũ
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Tập đoàn ResSHIP của CHLB Đức, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về hàng hải, đóng tàu và đặc biệt là tái chế tàu cũ, có nhà máy tại nhiều nước châu Âu… đã trao đổi với các thành viên tham dự buổi Hội thảo các kinh nghiệm đã được đúc rút về tái chế tàu; bảo vệ môi trường cũng như các điều kiện pháp lý cần thiết đúng các tiêu chuẩn của quốc tế như các quy định của IMO; EU… để có thể triển khai công việc này thuận lợi.
Trao đổi với phía bạn, Cục trưởng Hàng hải VN Nguyễn Nhật cũng chia sẻ, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam và Bộ GTVT về việc tái cơ cấu ngành hàng hải Việt Nam và đặc biệt là Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC), trong thời gian qua, Bộ GTVT đã có nhiều cơ chế đặc thù, chỉ đạo sát sao và tạo các hành lang pháp lý cũng như khuyến khích tìm đối tác cho SBIC nói riêng, ngành đóng tàu nói chung tận dụng thiết bị sản xuất, cơ sở và nhân công để từng bước ổn định, phát triển ngành kinh tế biển một cách bền vững.
“Việc các cơ quan tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ Quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng là một hành lang pháp lý quan trọng để SBIC có điều kiện tìm kiếm đối tác, học tập kinh nghiệm và phát triển ngành công nghiệp này tại Việt Nam”, ông Nguyễn Nhật nói.
Tại buổi Hội thảo, hai bên cũng đã thống nhất giao cho SBIC và các nhà máy đóng tàu … nghiên cứu trao đổi với các công ty của Đức để lập kế hoạch quản lý, giám sát về môi trường an toàn lao động để báo cáo trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai tái chế tàu cũ.
Nhật Lam
(Gửi từ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ)