Trước đó, Đề án đã được thực hiện từ năm 2010 đến hết năm 2014 gồm 2 nội dung chính: Tăng cường biên chế, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hai nội dung này được chia làm 3 phần: dự án 1 với các tiểu dự án nhằm đầu tư trang thiết bị chuyên dùng; dự án 2 để đầu tư hệ thống thông tin - truyền thông và dự án 3 để tăng cường biên chế, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải.
Mục tiêu của Đề án là tăng cường biên chế, trang thiết bị nhằm củng cố tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không từ trung ương đến địa phương nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, góp phần tăng cường quản lý nhà nước về giao thông vận tải và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Trong giai đoạn đến hết năm 2018, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, thực hiện việc không tăng biên chế đối với lực lượng thanh tra giao thông vận tải theo quy định tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 5/12/2014 của Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý sử dụng kinh phí thuộc dự án số 3 phục vụ cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, thanh tra, thanh tra viên, thanh tra viên chính thức trong khuôn khổ Đề án đối với toàn bộ lực lượng thanh tra giao thông vận tải (bao gồm cả Trung ương và địa phương).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải cân đối, bố trí vốn trong dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện Đề án theo quy định Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.