Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Sân bay Long Thành không “đạo” ý tưởng thiết kế"

Thứ ba, 26/05/2015 16:04

“Nếu có một phối cảnh nào đó giống với Cảng hàng không quốc tế Chek Lap Kok thì đó chắc chắn là một phối cảnh không liên quan gì đến Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chia sẻ với phóng viên Dân trí về ý tưởng thiết kế, nguồn vốn, năng lực của chủ đầu tư… sân bay Long Thành.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng

Được biết vào ngày 4/6 tới, Bộ trưởng sẽ thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bộ trưởng có thể chia sẻ trước một vài điều về những nội dung sẽ báo cáo lần này?

Thực ra, rất nhiều vấn đề kỹ thuật liên quan đến dự án này đều đã công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Dự án cũng đã được Hội đồng thẩm định nhà nước, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thẩm định; được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến; được Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIII.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng và nằm trong dự kiến chương trình làm việc của kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ thay mặt Chính phủ chính thức báo cáo trước Quốc hội về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành để Quốc hội thảo luận và cho ý kiến quyết định. Báo cáo này cũng sẽ cố gắng làm rõ thêm một số vấn đề mà dư luận và giới chuyên gia còn băn khoăn, chưa thống nhất.

Báo cáo về Dự án Cảng hàng không quốc tế HKQT Long Thành là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu, thẩm định, góp ý của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, dư luận nhân dân, đặc biệt là giới chuyên gia trong và ngoài nước. Vì còn có ý kiến khác nhau về một vài vấn đề nên trong suốt thời gian qua, Bộ GTVT với tinh thần cầu thị cao nhất, đã chủ động tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo, khảo sát, giải trình cụ thể những vấn đề cần làm rõ từ các bộ phận chuyên môn, đồng thời tiếp tục lắng nghe ý kiến phản biện của các tổ chức, cá nhân.

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII, Chính phủ sẽ báo cáo những nội dung chủ yếu của Dự án cảng HKQT Long Thành theo quy định của giai đoạn lập Báo cáo đầu tư (nghiên cứu tiền khả thi), sau khi tiếp thu, giải trình các ý kiến. Báo cáo sẽ tập trung vào các nội dung như: Sự cần thiết phải đầu tư Dự án; khẳng định rõ mục tiêu của Dự án trong giai đoạn trước mắt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải khi Cảng HKQT Tân Sơn Nhất bị quá tải; tổng mức đầu tư Giai đoạn một của Dự án sau khi tính toán, điều chỉnh lại quy mô và phân kỳ đầu tư các hạng mục với nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu chung cũng như công nghệ - kỹ thuật dự kiến áp dụng cho toàn Dự án (con số giảm cụ thể là 2,6 tỷ USD so với lần trình trước). Ngoài ra báo cáo cũng đưa ra những tính toán lại mang tính kiểm định để tiếp tục khẳng định tác động tới nợ công của Dự án là rất nhỏ; cuối cùng, Báo cáo sẽ làm rõ thêm về quy mô sử dụng đất và các vấn đề quan tâm khác, cũng như nêu lên một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu trong các bước tiếp theo của Dự án.

Hiện có một số ý kiến cho rằng, phối cảnh sân bay Long Thành lấy hình ảnh từ sân bay quốc tế Chek Lap Kok (Hong Kong). Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về nguồn gốc ý tưởng của thiết kế sân bay Long Thành và ý kiến của cá nhân Bộ trưởng về thông tin trên?

Tôi không hiểu thông tin này bắt nguồn từ đâu và với dụng ý gì nhưng có thể khẳng định đó là thông tin được đưa ra rất thiếu cân nhắc. Trong Báo cáo đầu tư của Dự án, ý tưởng thiết kế đã được đơn vị tư vấn giữ nguyên từ Quy hoạch tổng thể Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ý tưởng này được cách điệu từ hình dáng cánh hoa sen rất gần gũi với văn hóa Việt Nam, thể hiện được tính dân tộc trong thiết kế Dự án. Không thể có chuyện những ý tưởng ấy lại có thể là sản phẩm copy từ bên ngoài.

Tuy nhiên, để thực sự khách quan, Bộ GTVT đã thận trọng kiểm tra lại tất cả Hồ sơ của Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành, từ Quy hoạch tổng thể đến Báo cáo đầu tư Dự án. Chúng tôi có thể khẳng định phối cảnh duy nhất mà Bộ  GTVT cung cấp hoàn toàn khác biệt với hình ảnh của Cảng HKQT Chek Lap Kok (Hong Kong).

Nếu có một phối cảnh nào đó giống với Cảng HKQT Chek Lap Kok thì đó chắc chắn là một phối cảnh không liên quan gì đến Cảng HKQT Long Thành.

Có một vài ý kiến lo ngại năng lực của chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Ngoài Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Bộ trưởng sẽ chọn thêm đối tác nào cho dự án này, có yếu tố nước ngoài tham gia không?

Những lo ngại đó là có thật và dù xuất phát từ lý do gì, cũng rất dễ hiểu và nên được lắng nghe. Nhưng chúng tôi hiểu được trách nhiệm của mình trước đất nước. Vì thế, Bộ GTVT đã xem xét và cân nhắc rất kỹ về mọi mặt, chứ không chỉ riêng vấn đề năng lực của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trước khi quyết định để đơn vị này là chủ đầu tư dự án. Những gì mà ACV thể hiện trong đầu tư, kinh doanh, phục vụ, khai thác các cảng hàng không trên cả nước, cũng như uy tín của đơn vị với đối tác nước ngoài thời gian vừa qua là khá thuyết phục.

Tuy vậy, do Cảng HKQT Long Thành là dự án có quy mô lớn, được dự kiến đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn vốn khác nhau nên trước mắt Chính phủ và Bộ GTVT mới chỉ giao cho ACV là chủ đầu tư giai đoạn lập Báo cáo đầu tư Dự án (nghiên cứu tiền khả thi). Công tác lựa chọn chủ đầu tư sẽ còn tiếp tục, phụ thuộc vào từng giai đoạn, từng hạng mục cụ thể của Dự án và sẽ được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

Do tính chất nhạy cảm về mặt an ninh của Dự án nên Chính phủ chưa xem xét việc lựa chọn các đối tác nước ngoài. Việc lựa chọn này nếu có cũng phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của luật pháp về đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia và còn phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu khả thi của Dự án.

Bài toán vốn cho Long Thành là vấn đề mà đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Nay Bộ Tài chính đã có kiến nghị không dùng vốn bán các sân bay như Phú Quốc để xây cho Long Thành. Vậy Bộ trưởng tính thu xếp vốn từ nguồn nào?

Báo cáo đầu tư Cảng HQKT Long Thành trình Quốc hội lần này chưa để cập tới phương án dùng vốn nhượng quyền khai thác Cảng hàng không Phú Quốc để đầu tư xây dựng Dự án. Đây mới chỉ là một trong nhiều ý tưởng được nêu ra để bàn thảo, xem xét, với mục tiêu giảm bớt phần nào khó khăn trong việc cân đối vốn ngân sách Nhà nước. Chúng ta còn đủ thời gian để cân nhắc thận trọng xem việc đó có nên làm hay không. Quốc hội sẽ sáng suốt đưa ra quyết định cuối cùng.

Về lộ trình huy động vốn thì sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Chính phủ sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các thủ tục thu xếp, huy động các nguồn vốn cho Dự án. Đây là dự án có tác động lớn tới kinh tế - xã hội, trong khi tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước khá thấp, nên hy vọng rằng Chính phủ sẽ có những ưu tiên hoặc có chính sách đặc thù nhất định để tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn từ xã hội.

Nếu kỳ họp Quốc hội này thông qua Dự án Long Thành thì bao giờ sẽ có được báo cáo nghiên cứu khả thi, thưa Bộ trưởng?

Theo kinh nghiệm từ các dự án khác thì sẽ cần thời gian khoảng 2-3 năm để lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị các điều kiện khác để có thể khởi công xây dựng. Tuy nhiên, đối với dự án quan trọng và có tác động lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước cũng như tâm tư nguyện vọng của đông đảo người dân như Dự án Cảng HKQT Long Thành, Bộ GTVT sẽ phấn đấu ở mức cao nhất có thể để rút ngắn thời gian hoàn thành công việc quan trọng trên.

  Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn: Báo Dân Trí

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:176151
Lượt truy cập: 176.124.047