Tăng cường và nâng cao chất lượng sát hạch cấp GPLX hạng FC

Thứ tư, 10/06/2015 15:01

Sáng 10/6, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với các cơ quan tham mưu liên quan của Bộ GTVT về kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh liên quan đến việc thay đổi một số điều kiện học, dự thi, sát hạch chuyển đổi giấy phép lái xe (GPLX) từ hạng C, D, E sang hạng FC.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá công tác sát hạch cấp GPLX hạng FC là rất quan trọng

Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá công tác sát hạch cấp GPLX hạng FC rất quan trọng

Trong văn bản kiến nghị Bộ GTVT, ông Đinh Nam Dinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc chở container, xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc chở hàng hóa khác đang thiếu trầm trọng lái xe có giấy phép hạng FC.

Hậu quả của tình trạng thiếu lái xe hạng FC này đã dẫn đến nhiều đối tượng lợi dụng để tổ chức sản xuất, mua bán sử dụng GPLX giả để hành nghề trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp do thiếu hiểu biết, không cập nhật được thông tin, không tiến hành xác minh GPLX khi tuyển dụng nên vẫn tiếp nhận và giao xe đầu kéo cho các đối tượng này để điều khiển vận chuyển hàng hóa. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc chở container trong thời gian vừa qua.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải sử dụng xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc chở container, xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc, đồng thời vẫn bảo đảm ATGT, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thay đổi một số điều kiện chuyển đổi GPLX từ hạng C, D, E sang hạng FC, cụ thể đối với người đủ 24 tuổi, đã được cấp GPLX hạng C, D, E và có tối thiểu 1 năm kinh nghiệm được quyền đăng ký để học, sát hạch để nâng hạng lên FC (thay cho thời gian hành nghề 3 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên) và một số nội dung liên quan đến đào tạo thẳng lấy GPLX hạng FC.

Về nội dung này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, số km lái xe an toàn đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, nếu bỏ quy định này sẽ rất khó vì liên quan đến sửa Luật, bên cạnh đó số km an toàn không chỉ quy định đối với phương tiện ô tô, mà kể cả tàu thủy, máy bay đều quy định số giờ nhất định.

Theo ông Trần Bảo Ngọc, quy định thời gian hành nghề 3 năm trở lên thì có thể điều chỉnh được. "Trước đây, khi Luật 2001 chưa có phân biệt giữa hạng C và hạng FC, người có bằng C có thể lái xe bằng FC luôn, tuy nhiên do xe container xảy ra nhiều vụ TNGT nên đã tách ra làm hai loại hạng C và FC, khi đó quy định thời gian hành nghề 3 năm trở lên (21 tuổi có bằng hạng C, 24 tuổi có bằng hạng FC)" - ông Ngọc cho biết.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay cả nước có 36 cơ sở đào tạo lái xe hạng FC, TP Hồ Chí Minh đang kiểm tra cấp mới thêm 2 cơ sở, 22 Trung tâm sát hạch lái xe hạng FC. Năng lực của các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch và đội ngũ giáo viên, sát hạch viên đáp ứng được nhu cầu về đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng FC.

Đến hết năm 2011, cả nước có gần 25.500 ô tô đầu kéo, đã cấp gần 33.000 GPLX hạng FC, đạt tỷ lệ 1,3 GPLX/ 1 xe đầu kéo. Cả nước hiện có 41.385 xe ôt ô đầu kéo. Về GPLX hạng FC, cả nước hiện có 56.139 GPLX (trước năm 2012 cấp 32.783 GPLX, năm 2012 cấp 3.484 GPLX, năm 2013 cấp 2.959 PGLX, năm 2014 cấp 7.443 GPLX, năm 2015 cấp 9.470 GPLX). Số lượng GPLX đã cấp đạt tỷ lệ 1,36 GPLX/ 1 ô tô đầu kéo.

 

Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá công tác sát hạch cấp GPLX hạng FC là rất quan trọng

Hiện nay cả nước mới có 36 cơ sở đào tạo lái xe hạng FC. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, vừa qua Ban Cán sự đảng Bộ đã họp đưa vào Nghị quyết tổng rà soát lại công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng FC, bởi trong các quy định pháp luật hiện nay cần phải có sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, các vụ TNGT liên quan đến xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc rất nhiều, tình trạng sử dụng bằng giả, không có bằng lái xe đầu kéo tương đối phổ biến, trong đó có nguyên nhân do những quy định chưa phù hợp theo Nghị quyết 19 của Chính phủ về tạo mọi điều kiện tháo gỡ cho các doanh nghiệp, nhất là trong quá trình thực hiện kiểm soát tải trọng xe rất quyết liệt.

Bộ trưởng đánh giá nhu cầu lái xe hạng FC hiện nay rất lớn, mục tiêu vừa bảo đảm ATGT, đồng thời phải thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, góp phần lưu thông hàng hóa đươc thông suốt, không vì quản lý mà ảnh hưởng đến vận tải hàng hóa.

Trên cơ sở cơ bản đồng tình với kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng cho biết đối với người đủ 24 tuổi, đã được cấp GPLX hạng C, D, E, có tối thiểu 1 năm kinh nghiệm và 50.000 km lái xe an toàn trở lên được quyền đăng ký để học, sát hạch để nâng hạng lên FC.

Bộ trưởng đồng ý cho phép cơ sở đào tạo đủ điều kiện được đào tạo người dưới 24 tuổi điều khiển lái xe hạng FC (đã có GPLX hạng C), khi đủ 24 tuổi trở lên được sát hạch cấp GPLX hạng FC và hành nghề (theo đúng quy định tại Điều 60 Luật Giao thông đường bộ).

“Nâng cao chất lượng công tác sát hạch cấp GPLX hạng FC, ghi rõ nội dung sát hạch như thế nào, ai là người sát hạch, sau này khi lái xe gây tai nạn thì trách nhiệm thuộc về ai? rà soát lại xem thành phần hội đồng sát hạch, điều kiện sát hạch như thế nào, làm sao học phải nghiêm chỉnh nhưng sát hạch là quan trọng nhất” - Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng yêu cầu rà soát, cấp thêm giấy phép cho các trung tâm đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng FC đủ điều kiện, nhất là các trung tâm lớn; cùng với đó hướng dẫn cách kiểm tra phát hiện bằng giả lái xe hạng FC.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam công khai toàn bộ danh sách những lái xe được cấp GPLX hạng FC; tăng cường kiểm soát công tác đăng kiểm đảm bảo kỹ thuật, trách nhiệm của trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên; đồng thời tăng cường sử dụng kết quả từ thiết bị giám sát hành trình, để tính số km lái xe an toàn.

Bộ trưởng đề nghị các Hiệp hội vận tải phải có sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước (các cơ quan của Bộ GTVT, Sở GTVT…), tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu các hội viên thực hiện đúng các quy định của pháp luật; đồng thời tiếp tục tham gia xây dựng các văn bản QPPL và các nội dung liên quan. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ký hợp đồng bảo đảm đúng quy định, tăng cường công tác kiểm tra, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc của người lao động.

Xuân Nguyên

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:159757
Lượt truy cập: 176.174.998