Ông Trần Quốc Việt - Chủ tịch HĐTV VEC cho biết, hiện VEC đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, VEC đang quyết tâm phấn đấu 7 gói thầu vốn JICA tài trợ sẽ hoàn thành trong năm 2016; nhiều cầu, cống đã triển khai thực hiện (trong đó cầu Kỳ Nam đã hoàn thành). Riêng đoạn của WB thì tiến độ chậm hơn, nhưng mục tiêu sẽ hoàn thành trong năm 2017.
Ông Trần Quốc Việt - Chủ tịch HĐTV VEC phát biểu tại cuộc họp
Về công tác rà soát thiết kế, ông Trần Quốc Việt cho biết thực hiện chủ trương chỉ đạo của Bộ GTVT về rà soát lại toàn bộ thiết kế Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhằm giảm kinh phí tối đa tổng mức đầu tư theo nguyên tắc vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, VEC đã chỉ đạo các cán bộ, đơn vị liên quan đánh giá lại toàn bộ các công việc từ trước đến nay, VEC đã có báo cáo Bộ GTVT bằng văn bản (Văn bản số 1850 ngày 9/6/2015) và trực tiếp Bộ trưởng Bộ GTVT (ngày 23/6/2015) về công tác rà soát lại dự án.
Về kết quả rà soát cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc VEC cho biết, sau nhiều đợt rà soát dự án (rà soát điều chỉnh thiết kế cơ sở, rà soát thủy văn, rà soát điều chỉnh cao độ đường đỏ) đã giảm 2.464 tỷ đồng, trong đó giảm 2.371 tỷ đồng chi phí xây lắp, giảm 93 tỷ đồng chi phí xây dựng.
“Tổ nghiên cứu phát triển của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam chủ động rà soát, kiến nghị điều chỉnh loại khe co dãn cầu, đối với Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ước tính giảm do chênh lệch giá thành khoảng 25 tỷ đồng. Hiện tại VEC đang triển khai” - Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm.
Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Tổ trưởng Tổ công tác rà soát cho rằng, việc rà soát đợt này trên cơ sở đã rà soát nhiều lần và đang thi công, do đó những kiến nghị của Đoàn công tác rà soát được thống nhất ngay tại hiện trường.
“Các điểm chỉnh sửa đã được thống nhất tại hiện trưởng, tôi thấy việc này là việc khó, do đó Đoàn công tác rà soát đã ký ngay tại hiện trường. Về tính toán chi phí, VEC cần kiểm tra lại, có những điểm nào chưa hợp lý thì cần phải điều chỉnh. Riêng trắc dọc theo tôi vẫn còn chỉnh được, chứ không phải chỉ chỉnh chiều rộng mặt cắt”, ông Hoàng Hà nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cùng Đoàn Giám sát của Ủy ban Tài chính -
Ngân sách của Quốc hội và lãnh đạo các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam,
Quảng Ngãi nghe Nhà thầu báo cáo tiến độ Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (tháng 3/2015)
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, việc rà soát thiết kế là rất cần thiết, không chỉ riêng Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mà còn các dự án khác nhằm giảm giá thành công trình, thi công thuận lợi hơn, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, khai thác ổn định, bền vững trong tương lai.
Trên cơ sở kết quả và đề xuất của Tổ công tác rà soát, Thứ trưởng yêu cầu VEC nghiêm túc nghiên cứu chi tiết đề xuất của Tổ công tác và triển khai cụ thể quá trình thực hiện của từng bước, từng giai đoạn, từng nhà thầu, từng đơn vị; đồng thời hướng đến các giải pháp xử lý cụ thể.
Thứ trưởng yêu cầu VEC khẩn trương triển khai công việc, phân công nhân sự cụ thể xuống hiện trường xử lý công việc, cùng với nhà thầu, tư vấn giám sát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
“Cục QLXD&CLCTGT và VEC đánh giá tình hình triển khai các gói thầu của Dự án, nắm rõ gói thầu nào điều chỉnh, gói thầu nào không điều chỉnh, trên nguyên tắc không ảnh hưởng tiến độ, giá phải thông qua đấu thầu và được thanh toán những chi phí phát sinh” - Thứ trưởng yêu cầu.
Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là tuyến đường cao tốc đầu tiên ở miền Trung - một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm Chủ đầu tư. Công trình được khởi công ngày 19/5/2013, dự kiến thông xe vào năm 2018.
Dự án có tổng chiều dài gần 140km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc loại A với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h, mặt cắt ngang đường rộng 26m, xây dựng 9 nút giao liên thông, 126 cầu các loại, 1 hầm đường bộ dài 540m và nhiều hạng mục khác. Dự án có tổng mức đầu tư 1,472 tỷ USD.
Dự án đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp; tạo ra sự liên kết hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong khu vực, cả nước; đồng thời phục vụ vận tải quốc tế cho các nước trong khu vực thông qua hệ thống giao thông thuộc hành lang Đông - Tây và hội nhập quốc tế.
Xuân Nguyên